tĩnh lặng

tĩnh lặng

26/9/14

168. Vượt qua nỗi sợ



Gần hai tháng nay sống một mình trong ngôi nhà cổ, giờ thì cô đã có người ở cùng!

Nhưng cô phải gồng mình để sống cùng người ấy. Là bà mẹ già 96 tuổi của cô bạn đã giao nhà cho cô ở. Và bà cụ đã về miền cực lạc trong tuần qua!

Vậy là sau mấy ngày ma chay, giờ cô thay bạn cúng cơm, dâng nước, nhang khói cho cụ. Vì bạn đang lu bu chăm sóc ông xã bị bịnh ở SG. Cái chuyện dâng cơm nước, nhang khói thì không có gì đáng nói. Chỉ khi đêm về, một mình với cái bàn thờ khói nhang nghi ngút, ai cũng hỏi cô có sợ không. Sao lại không sợ hở trời! hic...

Không dưng cô nhớ bà lai hồi còn ở SG với con bé cháu. Lúc đó gần Tết, trời trở lạnh. Sáng sớm cô mặc cho cháu cái áo len, cháu phụng phịu không vui, vì sợ che mất cái áo đầm đẹp dì mới mua hôm qua. Dì mới thuyết cho cháu biết rằng nếu không chịu mặc áo ấm, cháu sẽ bị bịnh, mà trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, thì hai dì cháu "không có quyền bịnh", vì sẽ không đủ tiền đi BS đâu! Lúc đó cháu chỉ mới ba tuổi thôi, nhưng dường như cháu ý thức rõ điều dì nói nên cháu vui vẻ chịu mặc áo và không mè nheo nữa! Khoảng tuần sau cậu ở ngoài quê vào thăm. Sau khi ôm cổ cậu mừng quíu, cháu bèn nghiêm mặt nói, cậu vào đây là... không có quyền bịnh đâu đó nhe! Cả cậu và dì cười lăn vì cái vẻ bà cụ non của cháu, nhưng mắt dì lại đỏ lên vì thương cho cháu bị... già háp quá sớm!

Giờ thì cô tự nhủ, trong hoàn cảnh này mình cũng không có quyền sợ! Cứ coi như cụ đang đồng hành cùng cô trong ngôi nhà này, giống như lúc cụ còn sống, chưa lẫn lộn, cô đã từng ra vào, ăn ở nơi này cùng các con của cụ. Sự thân thuộc đó khiến cô vượt qua nỗi sợ, giúp bạn yên tâm lo trị bịnh cho chồng.

Có lẽ ở cõi vĩnh hằng, cụ cũng đang cười móm mém và bảo rằng, chẳng có gì đáng sợ cả con ơi!!!



13/9/14

167. Thuốc đắng...


Em "chó đẻ" đây nè! Hoặc là "Diệp hạ châu", nếu muốn văn hoa một chút! 

Từ lúc về nơi ở mới tới giờ, cô có thêm một công việc mới mỗi sáng, nấu lá thuốc uống trị viêm gan siêu vi B!

Riết rồi như một thói quen. Mở mắt ra, nằm nướng một chút lắng nghe lũ chim yến ríu ran bắt đầu rời tổ, tới phiên cô cũng bật dậy, lấy lá thuốc cắt nhỏ, bỏ vào nồi nấu lửa vừa khoảng nửa giờ.

Mọi công đoạn chuẩn bị đều không đáng nói, cả cái chuyện trước đó phải hong lá tươi trong mát cho đến khi khô ran mà vẫn giữ được cái màu xanh đục đặc biệt của lá khô.

Đáng nói là cái chuyện... uống cho hết bát thuốc đắng nghét kia cà! hic...

Cô đã từng uống nhiều loại lá thuốc. Thường xuyên nhất là lá trâm anh, còn gọi là cây hoa ngũ sắc hoặc ổi tàu... Lá thuốc nam thì không thể nào ngọt được. Ngay cả cái thứ dễ uống nhất như lá artichaud vẫn là loại khó, bông của nó thì dễ uống hơn. Tóm lại cô uống thuốc nam thuộc hàng... chuyên gia, nên cô tưởng rằng cái cây chó đẻ (cái tên đã... thấy ghét rùi! hic...) ốm nhách với chùm rễ và hàng lá nhỏ xíu này đâu nghĩa lý gì với cô, chỉ cần ực cái là xong!

Đúng là... tưởng bở! Cô chưa từng nếm cái vị nào đắng đến như vậy! Bát thuốc đầu tiên uống vào cô đã... ói ra gần hết! Ngày thứ hai cô chỉ ráng được đến một nửa. Ngày thứ ba, cô bậm gan làm một hơi, sau đó ngậm ngay một viên kẹo và nằm xuống võng, ôm chặt cái bụng, miệng ngậm cứng, như muốn giữ cho nó khỏi trào ra...

Giờ thì có kinh nghiệm rồi. Cô không dại làm một hơi như... uống bia nữa, hehe... Cô uống từng hớp lớn thuốc nóng, nghỉ một chút rồi uống tiếp, cho đến hết... Vậy là êm, khỏi cần ngậm kẹo!

Nhưng sao mà giống cái kiểu uống bia rượu dữ vậy không biết! Vì uống xong mỗi hớp phải... phà ra một cái, mặt thì nhăn lại, y như khỉ ăn ớt! hehe...

Ông bà mình nói "Thuốc đắng dã tật". Không biết bát nước thuốc mỗi sáng có "dã" được cái bệnh của cô không, nhưng nhờ vậy mà cái danh hiệu chuyên gia của cô cũng được... nâng lên một cấp rồi thì phải!

Có khi nào nhờ cắn răng chịu nếm cái vị đắng... trên tất cả các thứ đắng này, mà cô sẽ được tăng thêm nội lực để nuốt cho trôi những vị đắng khác trong đời, có khi còn tồi tệ hơn cái bát thuốc chó đẻ mỗi sáng của cô nữa! hic...



9/9/14

166. Ngụ cư



Lúc mới về ở khu phố này, cô còn lu bu quá nên chưa để ý. Giờ mới nghe được có những tiếng chim lạ vang vọng mỗi sáng, mỗi chiều. Không phải tiếng chim sâu lảnh lót từng tràng dài như ngoài quê cũ. Không phải tiếng lũ chim sẻ lách chách cãi nhau. Cũng không phải tiếng mấy anh chích chòe lửa điệu đà lên bổng xuống trầm... Cô mới nghe lần đầu tiếng chim này, một thanh âm vút lên hơi chói tai như âm la, nhưng là của một dây la bị chùng, hơi rè, một kiểu echo lạ, khiến cô thích thú và tò mò lắng nghe...

Không những nghe mà còn chạy ù ra cửa để kịp bắt gặp một bầy chim hình như vừa mới bay vù ra khỏi tổ. Chúng vừa bay vừa kêu, rền vang dãy phố và che rợp cả khoảng trời không rộng lắm trong phố thị. Hình như chỉ có mình cô chạy ra cửa dõi theo bầy chim. Ở đây không ai lạ lùng gì chúng, bởi "nhà" chúng ở chỉ cách nhà cô vài ba căn, nhưng ở phía sau nên những ngày đầu cô không để ý.

Thân hình chúng nhỏ gọn thôi, với hai cánh nhọn đặc trưng, giúp chúng bay lượn nhẹ nhàng với kỹ năng của một phi công tài giỏi, liều lĩnh trong những đợt thi nhào lộn máy bay. Nhưng người ta biết đến chúng nhiều nhất nhờ những cái tổ nhỏ xinh, quý giá chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Thường chúng sống theo bầy ngoài những đảo xa, những hang đá cách trở hiểm hóc. Nhưng cái tổ quý hiếm của chúng đã khiến con người tìm đủ mọi cách chiêu dụ chúng về sống ở phố thị, ở cái tầng ba phía sau nhà cô.

Vì đâu lũ chim chịu về nơi này? Máy móc nào, công cụ nào khiến chúng cuống cuồng rời bỏ biển đảo, về trú ngụ trong cái tầng ba chật hẹp, không còn những vách đá cheo leo quen thuộc, không còn tiếng sóng ngày đêm ca hát... Và mỗi sáng mỗi chiều chúng bay đi đâu? Tìm thức ăn hay tìm về chốn cũ? Điều gì khiến chúng chấp nhận làm kẻ ngụ cư? Chẳng lẽ nơi này là chốn bình yên hơn những hốc đá ngoài kia?

Thật đáng thương cho chúng, và cả cho cô! Vì có nơi nào là ốc đảo an bình tuyệt đối, ngoài tâm hồn chính mình? Chỉ khi rúc vào nơi đó, cuộn mình vào đó, một mình một bóng, không phải giao tiếp bất cứ ai, mới là chốn bình an thật sự. Nhưng chim chóc đâu cần điều đó, chỉ có con người mới thiệt là nhiễu sự! hic...


3/9/14

165. Quà của người không quen


Mỗi sáng, cô đạp xe qua cầu, ghé vào công viên bên bờ sông tập bài thể dục nhẹ của mấy đứa học trò. Miễn là có đủ động tác vươn thở, tay, hông, chân cẳng là đủ khỏe. Cô nghĩ vậy, với ánh nắng ban mai, những tán cây xanh và làn gió từ mặt sông thoáng mát, người ta sẽ được uống một liều thuốc bổ tự nhiên mà không phải trả một đồng nào cả, kể cả tiền giữ xe, thiệt là quá tốt!

Thường thì khi tập xong, cô đi lòng vòng hít thở theo những con đường nhỏ quanh co trong công viên, vừa ngắm nhìn cây cỏ, vừa tìm chỗ ngồi vắng người, đọc vài ba trang sách mang theo. Cô ưng nhất bộ bàn ghế đá nhỏ vừa dưới gốc sứ trắng, ở một góc khá yên tĩnh. Loay hoay lấy khăn lau ghế, cô vừa yên chỗ đã thấy trên mặt bàn một đống bông sứ rơi vãi. Lúc đầu, cô tưởng bông sứ tự rơi xuống mặt bàn, nhìn kỹ mới thấy hình như đó là hình tượng một Hán tự thì phải. Cô vốn dốt cổ văn, cổ ngữ, chỉ biết vỏ vẻ vài chữ thông thường thôi, nhưng cô chắc rằng đây là một dạng chữ Hán. Nhìn quanh chẳng thấy bóng ai cả, cô lấy sách ra đọc một lát. Lúc ra về, cô tần ngần nhìn mớ bông sứ còn tươi, còn thơm thoang thoảng trên bàn với một ý nghĩ thoáng qua...

Thế là từ đó, sáng nào cô cũng về nhà cùng với mớ bông sứ. Trên chiếc bàn nhỏ, có thêm một chậu nhỏ lung linh những bông sứ trắng điểm màu vàng tươi, và hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết cứ thoang thoảng quanh nhà cho đến buổi chiều tàn...

Rồi cô chợt tò mò, không biết cái món quà... trên trời rơi xuống cô nhận được mỗi sáng của cái người như thế nào, hình dạng ra sao, giả hay trẻ, đàn ông hay đàn bà... Con người đôi khi tự làm phiền chính mình vì cái sự tò mò không chính đáng ấy. Cô tự cười mình và không muốn tìm hiểu làm chi. Nhưng suy luận cứ chợt đến hằng ngày dù cô không muốn. Này nhe, có một tàn thuốc lá rơi vãi dưới ghế, vậy người này là đàn ông chắc rồi. Còn nữa, thỉnh thoảng cô thấy vài sợi lông chó vương lại trên ghế ngồi. Đích thị có một chú chó lông vàng chạy theo mỗi sáng, có lẽ còn nhảy phốc lên ghế ngồi cạnh chủ nữa. Và cô đoán rằng ông ta cũng khá lớn tuổi mới rành về Hán tự khi mỗi ngày lại xếp một chữ khác nhau. Chắc không phải là một cụ già lụ khụ, ho sù sụ, vì còn dám hút thuốc là còn khỏe, chưa đến nỗi nào... Cô tự đuổi cái ý nghĩ muốn... mục sở thị cái người mỗi sáng tỉ mẩn lượm những bông sứ rơi còn tươi, rồi ngồi xếp thành chữ để lại trên mặt bàn. Chỉ để thỏa cái tò mò, mà nhiều người chẳng đã từng thất vọng vì người và vì chính mình đó sao!

Thôi thì cô cứ an nhiên hưởng lấy mớ bông sứ rụng được xếp sẵn trên bàn, như một món quà của người xa lạ. Và nếu như có thật một hồn hoa, chắc những bông sứ lung linh trong chậu sẽ rất vui, vì còn có người đang cố níu giữ một chút hương tàn...