tĩnh lặng

tĩnh lặng

22/5/14

149. Kính vạn hoa



Dưới đáy cái thùng carton nhỏ, cô lục ra hai kính vạn hoa. Một cái cũ mèm, một cái có vẻ mới hơn cái trước. Cô tần ngần áp sát mắt, xoay xoay vài vòng, lắng nghe coi lòng mình còn những rung động hồi hộp lúc còn mê mẩn cái đồ chơi nhiều màu sắc và đầy biến hóa này không. Rồi cô tự cười mình lẩn thẩn, già rồi mà còn...

Cô nhớ cái cũ mèm đó là của ông nội mua cho (lại ông nội!) lúc ông đi dự đám cưới con một người họ hàng ở tận Sài Gòn. Cô nhớ đã mừng quá, nhảy lên ôm ông nội hun tới tấp! hehe... Còn cái kia là chính cô mua khi đi học ở Đà Lạt. Bạn bè thắc mắc hỏi sao đã có một cái còn mua thêm làm chi. Cô chỉ cười, không dám nói thật là cô muốn coi thử những cái hình biến hóa trong hai cái có giống nhau không. Lúc đó đã lớn bộn rồi, mà sao còn ngây ngô dữ vậy không biết!

Cái kính vạn hoa, quà của ông nội, được cô ôm cả ngày, cả trong khi ngủ. Mê lắm, vừa coi vừa thắc mắc, muốn tháo ra coi thử dưới đáy nó có cái gì mà có thể tạo thành những hình ảnh lung linh sắc màu như thế. Lớn hơn một chút, hỏi chú, chú giải thích cặn kẽ cho nghe, có hơi vỡ mộng khi biết chỉ là những mảnh chai bé xíu chứ chẳng có phép thuật thần thông biến hóa gì cả. Nhưng cô vẫn cứ không muốn tin, chỉ muốn tin có một cô tiên nhỏ ngủ trong đó, và đó là những tấm vách của cái căn phòng đầy màu sắc lấp lánh của cô tiên, chỉ khi nào xoay đủ 100 vòng thì mới thấy cô tiên được. Nhưng vừa đếm vừa xoay, vừa say sưa nhìn ngắm, cô cứ đếm lộn xộn một hồi, và chỉ mới vài chục vòng đã ngáp lên ngáp xuống, chạy theo tiếng réo gọi của lũ bạn trong vườn dừa rủ chơi năm mười...

Khi đã là cô giáo của lũ nhóc con rồi, cô mới không chơi cái đồ chơi con nít đó nữa. Cô cẩn thận gói chúng bằng một tấm vải lụa, và cất dưới đáy cái thùng nhỏ, cùng với những thứ khác. Lâu rồi cô chưa từng lục lại những gì đã cất kỹ trong thùng. Giờ thì phải chọn lựa vài thứ đem theo, và phải để lại những gì. Cô cứ tỉ mẩn lau chùi từng thứ cho sạch bụi, giở ra coi lại, bỏ ra rồi lại cất vào, cái gì cũng tiếc, không nỡ...

Nhủ thầm chắc đem theo cả hai cái cũng nhẹ thôi mà, nhưng sao lòng cô lại trĩu nặng thế này!!!



17/5/14

148. Thư tay

 


Dọn dẹp đống sách vở, tài liệu cá nhân, chuẩn bị cho một cuộc "thiên di", cô cầm lên một bì thư to, nặng, cũ kỹ, có vẻ như đã lâu không được động tới. Thì ra là những lá thư của bạn bè gởi từ rất lâu, có cả những thư của chính cô viết, vì lý do nào đó chúng được giữ lại, không đem ra thùng thư Bưu điện.

Cô ngồi bệt xuống thềm gạch, thận trọng giở từng tờ thư úa màu, có cái được viết trên giấy pelure đủ màu, có cái trên giấy học trò... Cô tỉ mẩn đọc lại những trang thư xưa cũ, bật cười vì những câu chuyện bạn đang "tám", mường tượng lúc đó bạn đang ngồi bên bàn viết, nghiêng nghiêng đầu dưới ánh đèn đêm, bàn tay thuần thục vẽ lên trang giấy những mẫu tự...

Cô đọc và nhớ ra từng bạn. Cái kiểu chữ liến thoắng này chắc chắn là của T. đây, nhỏ bạn tinh nghịch, đầu têu của những trò láu cá, làm điên đầu cả ban Giám thị. Còn nét chữ dịu dàng đều đặn rất đẹp này là của M. nè. Nhỏ này tính tình y như nét bút, hiền hậu, nhẹ nhàng như sương khói. Tiếc là bạn đã đi xa mất rồi, từ lâu không còn liên lạc nữa. À, xấp thư cột riêng này là của một anh chàng ngày xưa cứ đòi làm... cái đuôi của cô. Anh chàng không làm thơ được, nhưng trí nhớ về thơ văn thì tuyệt vời. Thư của chàng viết cho cô tự mình nói thì ít, còn hai phần ba là trích thơ của các thi sĩ lãng mạn, đa tình cả trong nước lẫn nước ngoài.

Cô bỏ cả buổi sáng đọc cho hết đống thư tay ngày cũ, xếp lại, cột một dây lụa trắng, thay một bao thư mới rồi để dưới đáy chồng sách mang theo. Từ nay, trong mớ hành trang ít ỏi của cô, xấp thư tay này sẽ luôn đồng hành bên cô, chứng nhân cho những kỷ niệm một thời với bạn bè, trường lớp. Sẽ chẳng có ai còn ngồi cặm cụi viết thư tay cho nhau nữa trong thời đại bây giờ. Những tiếng gõ bàn phím thay cho cây bút, tờ giấy. Một cái nhấn để gửi thay cho thời gian vài ba ngày hồi hộp chờ đợi bạn hồi âm. Không còn nét chữ gợi nhớ dáng vẻ, tính cách mỗi con người. Chỉ còn những lá thư trên máy, giống nhau như khuôn, lạnh lùng, không cảm xúc...

Thư tay, thư của một thời, người của một thời, chỉ mới đây mà tưởng như xa lắm...




13/5/14

147. Đất đai tiên tổ

Suy nghĩ về đất đai tiên tổ

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh


“….Đất đai tiên tổ ở đâu cũng là đất đai tiên tổ.

Đất đai tiên tổ ở đâu cũng giống nhau, cũng thấm máu mồ hôi và nước mắt của con cháu Việt, dù là hạt phù sa đỏ đồng bằng, bụi đất bạc màu trên núi cao hay bùn lầy sú vẹt ven biển và cát vàng ở đảo xa, ở đâu cũng linh thiêng, cũng mang đậm dấu chân, hồn vía của nhiều thế hệ Việt đã giữ gìn, đã bảo vệ, đã sống và chết truyền đời như thế.

Đất đai tiên tổ là quê hương bản quán, là nơi cha mẹ đào đất chôn nhau cắt rốn của con cái mình, là nơi để đào bới trồng cây lúa cây khoai, là hơi thở đẫm mồ hôi của ông cha, những giọt mồ hôi ướt đẫm trong nắng rát, trong mưa bão, trong đói khát, trong sự cần mẫn để gieo trồng và thu hái, để nuôi con nuôi cái, hà hơi tiếp sức cho nhiều thế hệ người Việt lớn lên, sinh tồn, bám trụ.

Đất đai tiên tổ làm chứng cho biết bao lớp lớp cháu con, lớn dậy và trưởng thành, quen hơi bén tiếng, yêu nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà làm cửa, sống trên đất, chết trong đất, niềm vui và nỗi buồn, tất cả đều không rời đất, không xa đất, tất cả quần tụ và quyến luyến với đất đai quê hương, làng xóm, cả nước mắt nụ cười, cả khao khát và chờ đợi, tất cả đều có đất làm chứng, có đất nâng đỡ, có đất dìu dắt, trong đất là xương cốt của tổ tiên, xương cốt người Việt làm ra đất đai tiên tổ người Việt.

Đất đai tiên tổ là nơi trời đã định, phận đã liệu, từ cương giới đất liền đến nơi biển cả, không xâm chiếm của ai, không giành giật của ai, một hạt bụi cũng là của người Việt, một cây cỏ cũng thuộc về người Việt, đời đời kiếp kiếp như thế, ai chiếm đoạt thì bị trừng phạt, ai phản bội thì phạm trọng tội, trong đất có hồn vía cha ông, có sức mạnh nước non, có lời thề truyền đời giữ đất của các bậc tiền bối, không ai được phép quay lưng trở mặt, lấy sức mà giữ gìn, lấy cả máu ra mà giữ gìn, không thể khác.

Đất đai tiên tổ là nơi chia sẻ, là nơi đón nhận, là nơi ủ ấm những thân xác con cái người Việt đã bỏ mạng vì các cuộc chiến giữ đất giữ nước, sống thì cùng đất làm nên hạt lúa củ khoai, cùng đất rảo bước trên những nẻo đường, cùng đất cười đùa khi hạnh phúc, vục mặt vào đất khi khổ đau, bấu vào đất khi chân yếu tay mềm, tựa vào đất khi trời không yên, biển không lặng, chúi mặt vào đất khi tủi thân, khi buồn bã và cô độc, nằm yên ả trong đất khi nhắm mắt xuôi tay. Sống thì bảo vệ đất đai, chết thì nằm trong đất đai, người Việt mãi là như thế, yêu đất đai và thề chết vì đất đai tiên tổ.

Cuộc chiến chắc chắn chưa dừng lại. Đảo xa, biển rộng, người ít giặc nhiều, rồi ai còn ai mất? Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, cương giới này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo.…”

(Trích chương 33 tiểu thuyết LỜI THỀ sắp xuất bản).




8/5/14

146. Nỗi buồn nhược tiểu


Sáng nay lên máy mới thấy bạn bè bên FB đang xôn xao vì tin Trung Quốc lại khiêu khích ta trên Biển Đông. Thái Bình Dương lại dậy sóng rồi, cái tên biển như một sự mỉa mai...

Hàng ngàn năm trước đến nay, Việt Nam ta đã nhiều phen khổ sở, điêu đứng vì họa ngoại xâm, đa phần xuất phát từ cái anh hàng xóm ỷ thế đất rộng người đông. Cái lý của kè mạnh là sự ngang ngạnh, bất kể luật pháp, công ước quốc tế... Việt Nam xui xẻo hơn các nước khác trong khu vực vì ở sát nách anh chàng to đầu hung hăng này, cứ bị quấy nhiễu liên tục.

Lẽ ra ai đánh ta thì ta đánh lại. Dù có chuộng hòa bình đến mấy, nhưng nếu họ cứ dứ nắm đấm trước mũi ta, công khai cướp đất, cướp biển thì ta phải dùng vũ lực để dạy cho họ cái bài học đơn giản nhất về luật chủ quyền. Nhưng than ôi, nếu trong tay ta chỉ là những tàu tuần duyên nhỏ xíu, với vài thứ vũ khí khá lạc hậu, thì chỉ còn biết chạy vòng quanh con tàu sân bay hiện đại và khi chúng xịt vòi rồng, thêm vài cú mở đòn nhẹ nhàng, tàu ta đã phải... chạy như vịt rồi!

Nhật cũng đã trang bị đầy đủ cho quốc phòng để bảo vệ vùng biển đảo, trấn áp những lấn chiếm, khiêu khích của TQ. Philipin cương quyết giữ từng tấc đất, mua sắm thêm tàu chiến, vũ khí... Việt Nam nghèo khó đến thế, lạc hậu đến thế, ta làm gì được ngoài việc kêu gọi công ước quốc tế! Những lời "phản đối kịch liệt" của kẻ yếu liệu có làm chùn tay mộng bá quyền của họ không?

Giờ thì chúng ta đang phải hết sức kiềm chế để không bị rơi vào cái đòn nhử "vừa ăn cướp vừa la làng" của họ. Chỉ cần ta nóng mũi nổ súng trước, họ sẽ có cớ để la làng và có cớ để tiêu diệt các tàu của ta và chiếm thêm các đảo, như đã từng làm trước đó. Nhưng cứ chịu ức hiếp như thế này, dễ trở thành nhu nhược và dần dà cũng mất đất, mất lòng dân!

Có lẽ đến một lúc nào đó, ta cũng phải chấp nhận một cuộc chiến mới. Có thể ta sẽ thất bại vì yếu thế mọi mặt. Có thể ta lại sẽ bị đô hộ một lần nữa, vài trăm năm hay ngàn năm nữa. Nhưng rồi ta hãy cứ tin rằng, khi lòng yêu nước, ý chí bất khuất bao đời của người dân Việt đủ sức kết dính người dân thành một khối, chúng ta sẽ lại có đủ sức mạnh để quật đổ bất cứ tên xâm lược nào, dù lớn mạnh đến mấy. Lịch sử và kinh nghiệm đã cho thấy điều đó!

Còn giờ thì họa ngoại xâm này có lay động được những ông quan tham đang vơ vét hàng tỷ tỷ của người dân, của một đất nước đang ngày càng cạn kiệt, nghèo khó vì nhũng nhiễu, vì lòng tham và vì cái tầm hạn hẹp, không biết trọng dụng nhân tài... Giặc ngoài đôi khi còn dễ hơn giặc ở ngay chính bên trong căn nhà của mình, đất nước của mình!

Ôi, nỗi buồn nhược tiểu này chắc chưa có đủ sức mạnh đâu nhỉ! Biết đến bao giờ... hic...





4/5/14

145. Lạy trời mưa xuống...



Ở cái xứ khô hạn nhất nước này, khi mà các nơi khác chiều nào cũng có mưa, thì những ngày đầu tháng 5 này chỉ mới có được một cơn mưa rỉ rả gọi là...

Vậy mà lũ trẻ xóm cô đã vội reo mừng ùa ra đường, vừa nhảy nhót dưới những giọt mưa hiếm hoi, vừa lui cui xếp thuyền giấy thả theo dòng nước nhỏ lăn tăn sát vỉa hè. Thấy tội cho những chiếc thuyền nhỏ xíu, cứ quay tới quay lui tại chỗ, nước đâu cho nhiều mà đòi trôi hở thuyền!

Cô những muốn xuống đường chỉ cho lũ trẻ cái chỗ thả thuyền, một vùng biển thật sự. Ở đó, những chiếc thuyền giấy sẽ tha hồ lướt êm như ru, và lũ trẻ sẽ chạy theo chúng, vừa hò reo cổ vũ vừa vuốt mặt phun phì phì những ngụm nước biển mặn chát...

Vùng biển quê cô mùa này nước cạn. Bãi tắm khá lý tưởng vì rất lài, có những cồn cát cách bờ vài chục thước. Khoảng cách giữa bờ và cồn cát là những ao nước nhỏ, chỉ sâu đến bụng lũ trẻ. Thế là ba mẹ cứ yên tâm thả con cái vùng vẫy trong những hồ bơi thiên tạo, còn người lớn thì cứ tắm ngoài xa, miễn là phải quay mặt lại để canh chừng những cu con láu táu.

Ngày xưa cô vừa tắm vừa thả thuyền trong những bể nước xanh trong ấy với lũ trẻ cùng trang lứa. Những chiếc thuyền được gió nâng cánh trôi băng băng, và cả một vùng trời biển vang vọng tiếng cười đùa, la hét đến khản giọng của đám trẻ con hiếu động...

Biển bây giờ cũng đông người, nhưng rác thải ngày càng nhiều, người lớn cũng ngại, ít cho trẻ tắm gần bờ vì nước quá dơ. Thế là một trong những thiên đường tuổi thơ đã bị tước bỏ. Cô ngậm ngùi cho chúng, cho những chiếc thuyền giấy mùa khô, thay vì kiêu hãnh băng trên sóng biển thật sự, dù chỉ là một cái "biển" nhỏ xíu, giờ chỉ còn loay hoay bên dòng nước mưa ít ỏi, không đủ trôi một cọng rác!

Cô ngước nhìn trời, thầm thì như lúc còn bé: Lạy trời mưa xuống...