Thường người ta chọn nghề nghiệp cho mình khi vừa đến cái tuổi thành niên, hoặc sớm hơn chút ít. Có lẽ tôi thuộc trường hợp hiếm gặp vì đã định hình cho mình một cái nghề khi còn là đứa bé học lớp năm trường làng.
Lúc đó tôi còn nhớ cả lớp đang khóc thút thít vì phải chia tay thầy giáo lớp bốn mà chúng tôi rất thương vì thầy nhận lệnh thuyên chuyển về lại Phan Thiết là quê của thầy. Đó cũng là ngày đầu năm học lớp năm và cả lớp đang chờ thầy giáo mới từ Nha Trang chuyển về. Chúng tôi vừa buồn vừa hồi hộp chờ đợi, không biết thầy giáo mới có hiền như thầy giáo lớp bốn không.
Lát sau thầy Hiệu trưởng bước vào và giới thiệu thầy giáo mới. Chúng tôi lấm lét liếc nhìn thầy và thấy... hơi yên tâm vì trông thầy còn rất trẻ, có lẽ mới ra trường và có vẻ hiền hòa, dễ gần...
Chỉ cần học thầy một buổi thôi là mấy ông tướng lớp tôi đã thoải mái trổ tài nghịch ngợm vì quả thật thầy rất hiền! Bọn con gái thì tha hồ... nhõng nhẽo! Và không biết từ bao giờ, lũ học trò chúng tôi đã yêu quý thầy còn hơn cả thầy lớp bốn!
Với giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền như bụt, cách giảng bài hấp dẫn lôi cuốn như kể chuyện và giọng hát khá hay, chúng tôi đã mau chóng coi thầy như thần tượng và răm rắp làm theo lời thầy.
So với các bạn, tôi là đứa khá nhút nhát, hơi cô độc và ít nói. Tôi học khá môn văn và siêng học bài, nhưng lại yếu toán. Sang học kỳ hai, thầy lập danh sách khoảng 5 đứa yếu toán nhất lớp, trong đó có tôi và bảo mỗi đêm phải tới nhà trọ của thầy để thầy kèm thêm, dĩ nhiên là không thu tiền.
Được thầy chỉ dạy tận tình, tôi học khá dần lên và ngày càng thích học toán. Một buổi tối, thầy cho các bạn khác về trước, bảo tôi ở lại vì thầy cần hỏi chuyện. Tôi hơi run, không biết mình đã phạm lỗi gì. Thầy trả cho tôi quyển vở làm bài tập toán, đưa thêm cho tôi một quyển sổ rất đẹp, bìa cứng mạ chữ vàng và dịu dàng bảo tôi: "Thầy tặng em để em viết vào đây những gì cần viết. Đừng viết vào vở bài tập toán nữa!"
Tôi lặng người khi chợt nhớ tôi đã viết vào những trang sau của cuốn vở bài tập toán những buồn tủi riêng mình gặp phải trong gia đình. Lúc đó tôi chưa biết đó là cách viết nhật ký. Khi thầy chấm bài đến gần hơn nửa cuốn vở, thầy mới vô tình lật giở những trang sau và đọc được những dòng chữ ngây ngô đẫm đầy nước mắt tôi đã nguệch ngoạc viết vội khi làm bài tập ở nhà.
Từ đó dường như thầy chú ý đến tôi hơn, con bé lặng lẽ, cô độc, ốm yếu, xấu xí, không có gì nổi bật như các bạn khác. Và tôi đã viết vào cuốn sổ thầy cho mỗi đêm sau khi học bài xong, khi cả nhà đã ngủ say. Viết cẩn trọng hơn, nắn nót hơn, tưởng tượng ra một người bạn thân, ở xa tôi lắm, sẽ nhận được và đọc được những gì tôi kể lể...
Khi đó tôi đã kể với người bạn tưởng tượng về thầy tôi. Và tôi đoan chắc với người bạn ấy rằng lớn lên tôi sẽ là cô giáo, chắc như một lời thề!
Thầy dạy chúng tôi chỉ một năm. Khi chúng tôi lên lớp sáu thì thầy cũng đổi về lại Nha Trang. Ngày chia tay thầy, chúng tôi lại khóc thút thít... Mỗi đứa tìm một món quà tặng thầy. Thầy bảo chúng tôi thầy chỉ nhận quà tự làm. Bọn trẻ nhà quê chúng tôi lúc đó khéo tay lắm. Đứa thì đan cho thầy chiếc rổ con xinh xắn, đứa lại thêu cho thầy chiếc khăn tay, có đứa tìm vỏ sò, vỏ ốc dưới biển... Thôi thì đủ thứ hầm bà lằng nhưng thầy có vẻ cảm động lắm khi đứa nào đem quà lên cũng hỏng biết nói gì mà chỉ khóc thút tha thút thít...
Riêng tôi chờ các bạn ra về hết mới đến gần thầy, cúi đầu nói lí nhí gì đó rồi đưa cho thầy cuốn sổ tay bìa cứng thầy đã tặng tôi. Trong đó tôi đã viết tất cả nỗi niềm của một con bé sớm biết rơi những giọt nước mắt thầm lặng mỗi đêm...
Trong một giờ văn ở lớp về đề tài chọn nghề năm lớp sáu, tôi đã viết một bài văn xuất sắc nhất lớp và có lẽ cũng hay nhất trong đời tôi về lý do tôi chọn nghề giáo!
Ít ai biết rằng cái nghề tôi đã đinh ninh từ nhỏ xuất phát từ một người thầy tôi thương quý nhất. Người đã đọc những dòng nhật ký đầu tiên ngây ngô của tôi và có lẽ cũng là người đầu tiên tôi đã trao gởi tất cả nỗi niềm...