tĩnh lặng

tĩnh lặng

23/12/14

190. Người bạn đồng hành...




Ai cũng mơ trong cuộc sống có một người bạn cùng đi với mình trọn một vòng đời. Một người bạn đúng nghĩa, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ cùng ta, cười với ta khi ta hạnh phúc, khóc với ta trong nỗi bi thương, những lần khốn khó. Người bạn sẵn sàng chìa bờ vai vững chãi cho ta dựa vào thút thít, sẵn sàng giơ tay dìu đỡ mỗi lúc ta cảm thấy lao đao, sẵn sàng đi với ta đến tận cùng trời cuối đất...

Có người bạn đó không vậy?!

Kinh nghiệm của hơn nửa đời người cho ta câu trả lời rằng đó chỉ là... ảo tưởng! Con người ấy chỉ được dựng lên cho loại phim lãng mạn hoặc tiểu thuyết diễm tình để câu khách, hỏng phải câu view... hehe...

Nhưng cô có người bạn đó rồi! Một người bạn thiết thân như bóng với hình, luôn đồng hành cùng cô mọi lúc, mọi nơi, vui buồn sướng khổ cũng không rời nhau. Tên người bạn đó là "Cô đơn"!

Vâng, nỗi cô đơn sẽ đi cùng cô đến trọn cuộc đời, dù trong đám đông náo nhiệt hay một mình một bóng với ngọn đèn đêm! Người bạn chung thủy nhất, chân thành nhất, khiến cô có thể trang trải nỗi lòng mà không hề e sợ, có thể tường tận những ngóc ngách u ám trong tâm hồn cô với một niềm cảm thương vô bờ như chính bản thân mình...

Có người bạn ấy, cô không còn sợ bóng tối, sợ sấm sét gió mưa, không còn sợ chính cái bóng của mình in trên vách, không sợ cái vắng lặng của căn phòng trọ nơi đất khách lúc nửa đêm...

Và cô cũng không biết từ lúc nào, cô đã trở thành thân thiết với người bạn ấy đến thế. Có lẽ từ lúc đi lang thang? Có lẽ...






22/12/14

189. Con chiên... không ghẻ!




Nhớ Giáng Sinh năm đầu cô gia nhập làng mạng, viết bài "Con Chiên Ghẻ". Một người bạn khá thân trên mạng hỏi sao lại là con chiên ghẻ. Cô cười và tìm cách giải thích cho anh thì là thế này, thế kia...

Nhưng thật ra thì tâm trạng thế nào, viết ra như vậy. Lúc đó cô cảm thấy cuộc sống quá đỗi nặng nề, như đang đội một cái vòng kim cô, chỉ cần nhúc nhích là đau buốt ruột gan! Vậy mà vẫn phải chịu đựng vì nghĩ rằng cuộc đời tới đó là... hết, không còn tương lai cũng chẳng còn mơ ước. Phải sống vì không có quyền chối bỏ, thế thôi!

Đây là Giáng Sinh đầu tiên của cuộc đời du mục, của kẻ không nhà, ở đâu cũng chỉ là tá túc, là tạm bợ. Nhưng cô lại thấy thanh thản biết bao! Như một người đang trên con đường thiên lý, cứ để rơi từng chút một những hành trang không cần thiết, cho đến một lúc nào đó, anh ta vừa đi vừa vung vẩy hai bàn tay không, nhẹ nhàng, thong dong mà bước, không còn vướng bận, kể cả một vệt bụi đường...

Vậy thì đây đích thị là bài "Con chiên... không ghẻ"! hehe... Con chiên sạch sẽ, trơn tru, mướt rượt, sẵn sàng tiếp nhận ánh sáng huyền diệu và tiếng ca của các thiên thần trên vòm trời Bethlehem, chuẩn bị đón mừng Chúa Cứu Thế ra đời. Con chiên vẫn còn đi lang thang trên đồi, nhưng không phải là hình ảnh thiểu não của những năm về trước, nằm thở dốc trong cơn hấp hối, cầu xin Chúa đón linh hồn nó về bên Người!

Con chiên mới mẻ này như là cái bóng của cô, cùng lầm rầm một bài kinh cầu và... bình an!


19/12/14

188. Tôi yêu...


Nói theo một cô em là chị tạo cái tựa đề chỉ để... câu view thôi! hehe...

Thật ra, cô chẳng dám mạo hiểm yêu đương gì đâu. Đơn giản là cô vừa mới khám phá một góc thiệt là lý thú, có lẽ chỉ riêng với cô thôi! Cũng lại nhờ cái cô em tràn đầy năng lượng, rất duyên dáng dù đang mang bụng bầu 5 tháng, hướng dẫn cho cô đến cái chỗ chuyên ăn với chơi này!

Nơi đây là chốn vui chơi tổng hợp. Suốt mấy tầng lầu sáng choang, máy lạnh chạy hết cỡ, phải mang theo đồ ấm, nếu không đánh bò cạp ráng chịu! hic... Đủ thứ cửa hàng, từ shop thời trang, quần áo, giày dép, vật dụng gia đình các loại cho đến khu vui chơi cho cả người lớn và con nít! Dĩ nhiên có cả vài cửa hàng ăn uống, kem cóc, các món Tây Tàu Việt...

Rảo một vòng, cô em đưa vào rạp chiếu phim mini. Nhưng cô lại thích nhất cái phòng chờ của rạp, nằm tách biệt, chỉ lác đác vài người đang đợi suất chiếu, với những chỗ ngồi khá lý tưởng cho dân mạng!

Thế là cô tìm một góc sát vách, yên tĩnh và thoải mái mở máy, kèm một gói bắp bung và một ly giấy bự coca, quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ còn ánh đèn mờ ảo và những bài hát Noel vọng lại từ phòng chiếu phim!

Mấy hôm trước cô đã bị lố nặng với cái 3G ngốn tiền như pháp vì nhà cậu em hỏng có wifi! hic... Giờ tìm được chỗ này, cô như... mở cờ trong bụng! hehe... Thiệt là tiện dụng cho giai cấp... dân nghèo thành thị! Chỉ cần chuẩn bị một ổ bánh mì giàu năng lượng và một chai nước khoáng, bạn sẽ được hưởng đầy đủ mọi thứ của thế giới văn minh mà không tốn một xu! À quên, có tốn tiền giữ xe, hehe...

Đi thang máy nhe, được hưởng cái thú tưởng tượng đang ở giữa... Đà Lạt giá băng, ngồi ghế nệm êm ro, nghe nhạc dìu dặt, không gian thoáng rộng, sạch đẹp và quan trọng nhất là bạn tha hồ bay bổng trong cái cõi mịt mùng Internet từ sáng tới tối mà chẳng sợ ai làm phiền mình. Tất cả đều... miễn phí! hehe...

Vậy là VT có thêm một điểm hấp dẫn đối với cô, dân du lịch... Ta ba lô chính chủ!

Càng ngày, sự cân nhắc càng nghiêng về một bên... Nhưng cô vẫn còn nợ một vòng du mục. Biết đâu phía trước còn một điều gì đó đang chờ đợi, một điều thật tốt đẹp... Cứ mơ đi, vì ước mơ đâu có tốn tiền! hehehe...






17/12/14

187. Đường ngang ngõ tắt...


Cô thủ khư khư cái bản đồ thành phố VT, tìm cho được những đường nhỏ, những con hẻm dẫn ra biển, tránh bớt những vòng xoay, những con đường lớn nườm nượp xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm...

Thông thường, cái nhóm từ "đường ngang ngõ tắt" mang ý nghĩa không tốt đẹp gì. Nhưng nếu đừng hiểu theo kiểu bóng gió, và áp dụng vào giao thông trong những thành phố lớn, thì bỗng dưng nó trở thành đắc dụng vô cùng!

Nhất là ở SG, cư dân nào càng rành rẽ các loại đường ngang ngõ tắt thì càng tránh được những phiền toái đến ngán ngẫm của cái bệnh kẹt xe kinh niên, không biết đến bao giờ dứt điểm! hic...

Một trong những lý do khiến cô không chọn SG làm đất lành cũng vì cái vụ giao thông kinh khủng khiếp này. Nhớ cách đây khoảng 10 năm, cô còn xách xe đạp chạy vèo vèo, kể cả ban đêm, vì đến 9g tối mới tan lớp học. Vậy mà giờ đây, chỉ ngồi sau xe máy thôi, cô cũng đã giật thót đến vài bận trên đoạn đường không dài lắm!

Cô lẩn thẩn nghĩ trong cái thế giới chật chội này, nếu ta biết khiêm tốn hơn, tìm một con đường nhỏ thôi, có lẽ ta sẽ dễ đi vào lòng người hơn là cứ phom phom tiến thẳng một lèo, bất kể người chung quanh.

Có ai nghĩ giống tui không hè?!





15/12/14

186. Quê hương mỗi người chỉ một...


Cô em về thăm quê mới trở vào sáng nay. Tay xách nách mang toàn quà quê, bánh hỏi, nước mắm và đủ thứ món mà ở VT tìm đỏ mắt không có... Nhưng cái làm cô bất ngờ là một bọc rau thơm Bình Định! Những cọng hẹ nhỏ rí, bó húng cay, húng lủi ngắn chủn, lá nhỏ mà thơm nồng... Nhìn cô em ngồi tỉ mẩn lặt từng lá rau đã hơi eo sèo, tự dưng cô thấy chạnh lòng... Sao những cây rau nhỏ này giống loại rau thơm quê cô dữ vậy cà!

Cô đã tự nhủ lòng phải dứt bỏ nỗi nhớ quê khi quyết định dứt áo ra đi, cũng như đã cương quyết dứt bỏ tất cả những gì vướng víu trong tâm tư, bởi có đeo mang cũng chẳng ích gì, chỉ thêm nặng lòng... Vậy mà giờ đây, chỉ cầm lên tay những cọng rau nhỏ, nghe lại cái mùi thơm nồng đặc trưng, bỗng dưng cô nhớ...

Mọi hình ảnh quê nhà phút chốc ùa về, con đường thẳng tắp trước nhà hướng ra biển, cái balcon nhỏ xíu với lan can sơn trắng quấn quít những cọng dây leo xanh ngát, giàn phong lan đong đưa, làm điệu với gió trời... Cái chợ nhỏ với những sạp hàng, những gương mặt thân quen ới gọi cô mỗi sáng, hàng cá lưới tươi rói ngồi bệt dưới nền đường làm tắc nghẽn cả dòng xe cộ... Những điểm bạn bè gặp nhau cuối tuần với một vài chai bia và những câu chuyện vô thưởng vô phạt đến thành... vô duyên! hic...

Những tưởng mấy tháng qua cô đã có đủ bản lĩnh khi trả lời một cách... hùng dũng câu hỏi của một người bạn ở SG, có nhớ quê không, "không!"

Vậy mà bây giờ, cô đành nhận mình thua, cũng chỉ vì... một cọng rau! hic...

"Quê hương là chùm khế ngọt. Ai cao thì hái được nhiều... " hehe... huhu...



13/12/14

185. Phân vân...


Có một lời đề nghị khiến cô hơi bị dao động. Sẽ suy nghĩ để có quyết định sau Tết, nhưng lại thấy buồn vì cuộc sống khó chiều lòng mình...

Cố không nghĩ về một tương lai xa, bởi nó cứ mù mịt như bầu trời trong mưa bão. Dù đã tự nhủ lòng, que sera sera... nhưng rồi nó cứ thoáng hiện một vài khoảnh khắc nào đó trong ngày. Nó vẫn đủ sức làm ta lao đao, chới với khi tự hỏi lại mình. Hóa ra vẫn chưa đủ quyết tâm để ne pas mọi chuyện, vẫn còn vướng víu, dù chỉ chút xíu thôi...

Đời không như là mơ. Cái câu hơi sến này ngẫm ra đúng thiệt! Cơm áo gạo tiền vẫn là sợi dây đủ sức trì níu con diều mộng mơ trở về với mặt đất xám xịt, trong khi bầu trời xanh lơ quyến rũ trên kia cao xa vời vợi...

Có quyết định ra sao, có đi theo con đường nào thì cũng phải chịu đựng một vài khó khăn, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc vật chất, hoặc tinh thần. Có bao giờ ta đạt được tất cả mọi điều mình muốn. Vậy thì nặng lòng làm gì? Trong được có mất, trong mất có được, thế thôi!

Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi!!! hic...





10/12/14

184. Lạ mà thân...


Cô không có cảm giác lạ lẫm khi đến vùng đất mới có lẽ do những gương mặt thân quen mỗi ngày hiện diện quanh cô. Những nụ cười rộng mở như tấm lòng con người nơi đây...

Hôm qua là cử cafe sáng tại quán Ô Cấp, cái quán khá đẹp nằm trên sườn núi đá, được đẽo gọt và giật cấp tạo thành nhiều bậc cao thấp, có chỗ chỉ vừa đủ cho bộ bàn ghế nhỏ dành cho hai người. Ngồi ở hàng trên cùng có thể nhìn bao quát cả một vùng biển trời trải ra trước mắt... Quán không có cổng rào, tường vây, xuống xe là khách bước lên ngay những bậc cấp cỏ rêu chen lấp. Một không gian mở toang, thoáng đãng, phiêu diêu...

ocap cafe 4

ocap cafe 7

Sau cafe, cả nhóm thẳng tiến ra bè cá Long Sơn, một vùng sông nước dành riêng cho những bè cá nuôi và đặc biệt là hàu, một trong những đặc sản VT.


Có một màn văn nghệ nho nhỏ giữa trời nước bao la, rồi là giao lưu với một nhóm khách trẻ từ SG xuống, rồi trao đổi danh thiếp để kết huynh đệ mà không cần phải bôn ba tứ hải! hehe...

Người bạn từ PT ra thăm được dịp tham gia chuyến tham quan VT cứ chắc lưỡi trầm trồ và xúi cô đậu lại nơi này. Thôi cứ hạ hồi phân giải vậy! Chim trời cá nước, tính trước làm chi. Nếu có duyên, một ngày nào đó cánh chim sẽ tìm được đường quay trở lại thôi mà!



2/12/14

183. Cafe biển chiều...


Lần đầu tiên cô và con ngựa sắt già đi ra biển không có người kèm cặp. Ghé quán cafe gần biển. Gần chứ không phải sát biển. Những quán sát bên biển, có vị thế đẹp, cảnh quan đẹp, nhìn là thấy mát mắt thì cô không thèm vào vì... đắt quá! hic... Du lịch bụi kiểu "Ta ba lô" không cho phép phung phí, nên chỉ nhìn biển xa xa một chút cũng được thôi mà! hehe...


Vừa mở laptop, vừa nhâm nhi cafe, vừa ngắm biển, ngắm người qua kẻ lại... Vũng Tàu cũng là chốn phồn hoa đô hội, là nơi vung tiền của người giàu, nhưng được cái không khí trong lành, ra đường không cần che khẩu trang kín mít, sát biển lại có những ngôi chùa thật đẹp, cô tự hẹn lòng, sẽ có một dịp ghé thăm...

Có lẽ những thành phố khác dọc biển cũng giống như nơi đây. Có khác nhau chăng là sự sầm uất hay tĩnh lặng, là một vài dấu nhấn khác lạ, đặc trưng mỗi vùng miền. Vũng Tàu là thành phố đa dạng, có rất nhiều dân nhập cư từ khắp đất nước đổ về. Đa dạng từ cách sống,  cách thiết kế nhà cửa, về món ăn, giọng nói... Cô phải tập lắng nghe, nắm bắt cho đúng giọng ba miền, để khách của quán bún chả khỏi phàn nàn vì cô phục vụ cứ ngẩn ra khi khách gọi món bằng giọng miệt ngoài...

Cậu em cứ thuyết phục bà chị định cư nơi đây sau khi đi một vòng du mục. Cô cười cười, để coi...

"Đất lành chim đậu" nhưng hy vọng không có vế sau của một cô em hay đùa tếu "Đất nhậu luôn chim"! hehe...


30/11/14

182. Đồng vọng tiếng đời...




Không biết từ bao giờ, những thứ bên ngoài, nói chung là ngoại cảnh, không còn tác động đến cô nữa.

Mỗi sáng sớm cô lắng nghe tiếng chú chích chòe lửa cất giọng nhà bên, tiếng xe chạy, tiếng chổi sàn sạt trên đường của chị quét rác, tiếng lịch kịch dọn bàn ghế chuẩn bị bán hàng của vợ chồng cậu em... và cô lắng nghe mình... Chẳng có gì cả! Cô không còn thấy vui và háo hức chờ nghe chim hót như lúc còn ngoài quê, cũng chẳng có chút nôn nao, tò mò nào với cảnh vật bên ngoài ở vùng đất lạ. Không phải vì buồn nhớ, cũng chẳng phải cô thờ ơ với cuộc sống này. Cô cũng không thấy khó chịu khi phải chuyển chỗ ở. Cô dễ dàng chấp nhận căn phòng trống trơn, chẳng có tủ áo, cũng không có thứ tiện nghi nào. Chỉ có một bóng đèn và một cái quạt. À, còn được một cái bàn thấp để xếp ba thứ lặt vặt và đặt laptop!

Đã có điều gì đó xảy ra trong cô, âm thầm đến cô cũng không tự nhận biết. Cô hơi ngạc nhiên, nhưng bằng lòng với điều đó, dù cũng thấy tiếc những cảm giác hưng phấn thường có lúc trước. Nếu thản nhiên được trước mọi sự và càng ít chịu tác động ngoại cảnh chừng nào, tâm hồn ta sẽ ít bị tổn thương chừng đó. Có lẽ đó cũng do nỗi sợ hãi của loại người nhạy cảm. Nhưng dù có là gì đi nữa thì trạng thái này cũng giúp cô dễ sống hơn với cuộc hành trình sắp tới, sẽ ngày càng ít thuận lợi hơn hiện giờ.

Dường như có một cánh cửa nào đó đã khép lại trong cô, để những tiếng đời xôn xao ngoài kia chỉ là đồng vọng. Những âm vang đã được thanh lọc, chỉ còn lại sự yên tĩnh vô bờ, và đó cũng là niềm vui, một niềm vui bất tuyệt!



26/11/14

181. Cô giáo chạy bàn...


Mới chân ướt chân ráo tới VT, sáng hôm sau cô đã phải làm một nghề mới, dù là bất đắc dĩ!

Số là vợ chồng cậu em trai mở quán bún chả nhỏ thôi nhưng rất đắt khách. Xui là mới hôm trước chị nhân viên cũ xin nghỉ vô thời hạn để chăm sóc cha già bệnh nặng. Cô tới vừa kịp lúc. Thôi thì thử làm nghề chạy bàn phục vụ quán ăn, coi mình có cái khả năng bỏ đâu cũng sống được như người ta không, chớ cứ... tiểu thư đường cát mãi mà đòi đi du mục là không ổn!

Vậy là thành... cô giáo chạy bàn! hehe...

Khách thường rất đông khoảng tầm 6g cho đến 8g. Và cô giáo cũng làm đầy đủ nhiệm vụ như người phục vụ cũ. Nhưng có lẽ khách quen bỗng dưng thấy xuất hiện một nhân viên mới, đeo kính trắng, đi đứng có vẻ khoan thai hơn người cũ, biết dạ thưa, hỏi han nhỏ nhẹ, biết cảm ơn khi khách đứng dậy ra về, biết xin lỗi khi khách phàn nàn phải đợi lâu... Và khách cũng bỗng dưng gọi món nhỏ nhẹ hơn, kèm ánh mắt tò mò dò hỏi, có người thắc mắc ngay với chủ quán tìm đâu ra cái cô phục vụ mới có vẻ... chậm chạp dữ zị! hic...

Tới hơn 9g là cô thấy quải, hai chân mỏi nhừ vì di chuyển liên tục, không được ngồi nghỉ chút nào. May lúc đó  quán đã vắng khách, chỉ còn lai rai nên cậu em thấy tội bèn mời "nhân viên chạy bàn mới"... lên lầu nghỉ ngơi!

Thế mới biết cái công việc chân tay tưởng là nhẹ nhàng nhất, ai cũng có thể làm được hóa ra không dễ nuốt trôi. Và ngạc nhiên chưa, sao hồi mới có học lớp năm mà cô chọn được cái nghề giáo chính xác vậy ta! Chứ cái tướng ẻo lả như ri mà đi xin việc thì họa may chỉ có chủ quán... cận thị nặng hơn cô mới chịu nhận thôi. Xin thưa, đó là nhận xét của cậu em tui đó pà kon ui! hic...




24/11/14

180. Bonjour Vũng Tàu!


Đã đặt chân đến vùng biển thứ hai, cũng là miền du lịch nổi tiếng. Buổi tối đầu tiên, lo dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc nên chưa thăm thú gì cả, nhưng bước đi trên vùng đất lạ vẫn cho cô một cảm xúc mới mẻ. Nó khiến cô thấy mây trời dường như xanh hơn, gió biển có một vị khang khác và bất giác cô bắt gặp mình đang mĩm cười...

Ngày mai cô sẽ ra thăm biển để nhìn thử coi những con sóng có khác sóng biển nơi cô từng ở. Tiếng ru của biển có giống biển quê cô, và biết đâu lại có một gương mặt, một đôi mắt thân quen nào đó... Cô tự cười mình mơ hảo, nhưng mơ thì có mất gì đâu kia chứ, miễn đừng cược hết mọi thứ vào một giấc mơ, và khi giấc mơ tan thì cũng cố mà giữ lại được nụ cười...






19/11/14

179. Tôi đã chọn nghề giáo...


Thường người ta chọn nghề nghiệp cho mình khi vừa đến cái tuổi thành niên, hoặc sớm hơn chút ít. Có lẽ tôi thuộc trường hợp hiếm gặp vì đã định hình cho mình một cái nghề khi còn là đứa bé học lớp năm trường làng.

Lúc đó tôi còn nhớ cả lớp đang khóc thút thít vì phải chia tay thầy giáo lớp bốn mà chúng tôi rất thương vì thầy nhận lệnh thuyên chuyển về lại Phan Thiết là quê của thầy. Đó cũng là ngày đầu năm học lớp năm và cả lớp đang chờ thầy giáo mới từ Nha Trang chuyển về. Chúng tôi vừa buồn vừa hồi hộp chờ đợi, không biết thầy giáo mới có hiền như thầy giáo lớp bốn không.

Lát sau thầy Hiệu trưởng bước vào và giới thiệu thầy giáo mới. Chúng tôi lấm lét liếc nhìn thầy và thấy... hơi yên tâm vì trông thầy còn rất trẻ, có lẽ mới ra trường và có vẻ hiền hòa, dễ gần...

Chỉ cần học thầy một buổi thôi là mấy ông tướng lớp tôi đã thoải mái trổ tài nghịch ngợm vì quả thật thầy rất hiền! Bọn con gái thì tha hồ... nhõng nhẽo! Và không biết từ bao giờ, lũ học trò chúng tôi đã yêu quý thầy còn hơn cả thầy lớp bốn!

Với giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền như bụt, cách giảng bài hấp dẫn lôi cuốn như kể chuyện và giọng hát khá hay, chúng tôi đã mau chóng coi thầy như thần tượng và răm rắp làm theo lời thầy.

So với các bạn, tôi là đứa khá nhút nhát, hơi cô độc và ít nói. Tôi học khá môn văn và siêng học bài, nhưng lại yếu toán. Sang học kỳ hai, thầy lập danh sách khoảng 5 đứa yếu toán nhất lớp, trong đó có tôi và bảo mỗi đêm phải tới nhà trọ của thầy để thầy kèm thêm, dĩ nhiên là không thu tiền.

Được thầy chỉ dạy tận tình, tôi học khá dần lên và ngày càng thích học toán. Một buổi tối, thầy cho các bạn khác về trước, bảo tôi ở lại vì thầy cần hỏi chuyện. Tôi hơi run, không biết mình đã phạm lỗi gì. Thầy trả cho tôi quyển vở làm bài tập toán, đưa thêm cho tôi một quyển sổ rất đẹp, bìa cứng mạ chữ vàng và dịu dàng bảo tôi: "Thầy tặng em để em viết vào đây những gì cần viết. Đừng viết vào vở bài tập toán nữa!"

Tôi lặng người khi chợt nhớ tôi đã viết vào những trang sau của cuốn vở bài tập toán những buồn tủi riêng mình gặp phải trong gia đình. Lúc đó tôi chưa biết đó là cách viết nhật ký. Khi thầy chấm bài đến gần hơn nửa cuốn vở, thầy mới vô tình lật giở những trang sau và đọc được những dòng chữ ngây ngô đẫm đầy nước mắt tôi đã nguệch ngoạc viết vội khi làm bài tập ở nhà.

Từ đó dường như thầy chú ý đến tôi hơn, con bé lặng lẽ, cô độc, ốm yếu, xấu xí, không có gì nổi bật như các bạn khác. Và tôi đã viết vào cuốn sổ thầy cho mỗi đêm sau khi học bài xong, khi cả nhà đã ngủ say. Viết cẩn trọng hơn, nắn nót hơn, tưởng tượng ra một người bạn thân, ở xa tôi lắm, sẽ nhận được và đọc được những gì tôi kể lể...

Khi đó tôi đã kể với người bạn tưởng tượng về thầy tôi. Và tôi đoan chắc với người bạn ấy rằng lớn lên tôi sẽ là cô giáo, chắc như một lời thề!

Thầy dạy chúng tôi chỉ một năm. Khi chúng tôi lên lớp sáu thì thầy cũng đổi về lại Nha Trang. Ngày chia tay thầy, chúng tôi lại khóc thút thít... Mỗi đứa tìm một món quà tặng thầy. Thầy bảo chúng tôi thầy chỉ nhận quà tự làm. Bọn trẻ nhà quê chúng tôi lúc đó khéo tay lắm. Đứa thì đan cho thầy chiếc rổ con xinh xắn, đứa lại thêu cho thầy chiếc khăn tay, có đứa tìm vỏ sò, vỏ ốc dưới biển... Thôi thì đủ thứ hầm bà lằng nhưng thầy có vẻ cảm động lắm khi đứa nào đem quà lên cũng hỏng biết nói gì mà chỉ khóc thút tha thút thít...

Riêng tôi chờ các bạn ra về hết mới đến gần thầy, cúi đầu nói lí nhí gì đó rồi đưa cho thầy cuốn sổ tay bìa cứng thầy đã tặng tôi. Trong đó tôi đã viết tất cả nỗi niềm của một con bé sớm biết rơi những giọt nước mắt thầm lặng mỗi đêm...

Trong một giờ văn ở lớp về đề tài chọn nghề năm lớp sáu, tôi đã viết một bài văn xuất sắc nhất lớp và có lẽ cũng hay nhất trong đời tôi về lý do tôi chọn nghề giáo!

Ít ai biết rằng cái nghề tôi đã đinh ninh từ nhỏ xuất phát từ một người thầy tôi thương quý nhất. Người đã đọc những dòng nhật ký đầu tiên ngây ngô của tôi và có lẽ cũng là người đầu tiên tôi đã trao gởi tất cả nỗi niềm...








10/11/14

178. Từ biệt thành Phan!


Nhờ bác Trịnh và cô Khánh Ly nói giùm lời từ biệt với Phan Thiết dấu yêu!






5/11/14

177. Thiên di


Như loài chim thích đi rong cứ đến mùa là rủ nhau cất cánh
Như nắng đang mời gọi
Mưa tuôn giá lạnh bỏ lại phía sau
Mãi miết dặm ngàn mộng mị chiêm bao
Giấc miên viễn vẫn lao về phía trước...

Tìm thấy gì hở em
Xanh xao tình đất mới
Trái chưa đủ ngọt mềm
Hương chỉ một thoáng say
Vội làm chi
Con nước vẫn đong đầy...

PT - 5/11/14










31/10/14

176. Không đề




Ai đi tìm nhặt cơn mơ

Cho tui theo với ầu ơ phận mình

Buồn vui cũng một chữ tình

Trăm năm đành lỗi hẹn mình với ta...





29/10/14

175. Cỏ lông chông


Hồi nhỏ ra biển chơi rất thích chạy theo mớ có lông chông. Chúng có bao nhiêu là chân nhọn hoắt. Và gió biển mát rượi cứ xui chúng chạy mãi miết, không ngừng nghỉ...

Có cái bị vướng mấy cái chân gai vào thảm hoa muống biển tím biếc, dùng dằng mãi không dứt ra được, như mềm lòng bởi cái màu tím ngát... Cô bé chạy theo thấy tội, ngồi gỡ giùm cho nó, loay hoay sao đó còn bị nó đâm cho một nhát vào tay, hic...

Có những cuộc đời như cỏ lông chông, vô định, không chốn dừng chân, cũng không biết mình chạy đi đâu, cứ theo chiều gió thổi mà bay hoài, bay mãi...

Đâu cũng là nhà. Nghe thì hay lắm, nhưng đâu cũng không là nhà! Nhà phải có hơi ấm của tình thân. Nhà mà lạnh lẽo quá, thì ngẫm ra làm đời có lông chông thú vị hơn!

Đợi khi bìển lặng, gió êm, có lông chông sẽ dừng lại, ngẫm nghĩ phận mình, hoặc tiếp tục nẻo đời, hoặc rụng dần mấy cái chân gai khô khốc, rồi nằm yên đâu đó, tàn rụi theo nắng gió biển khơi...

Cái giá phải trả cho một đời phiêu lãng, cũng không rẻ chút nào!!!




25/10/14

174. Lá thư đầu tiên


Lần ra đi này cô không đem theo cái hộp giấy đựng thư từ và các thứ nhỏ nhỏ khác. Dù mỗi thứ là một kỷ niệm, nhưng cô sẽ xếp hết các thứ vào một ngăn trong ký ức. Cất ở chỗ đó là chắc ăn hơn cả, chỉ trừ khi nào cái bệnh lẫn lộn của người già bắt đầu hỏi thăm thì đành vậy, quy luật mà!

Cô sẽ phải gởi lại thôi, kể cả lá thư đầu tiên cô nhận từ một anh chàng bạn học năm lớp 9. Cứ nhớ lại là cô không tài nào nhịn cười được. Hèn chi anh chàng cứ lớn vởn chung quanh đám bạn nữ lúc tan học. Té ra anh chờ lúc cô chỉ có một mình để đưa thư cho đỡ mắc cỡ! hehe... 

Nhưng ác cái đi đâu tụi con gái cũng túm tụm với nhau, làm anh cứ thậm thụt mấy ngày liền, nhìn cái mặt khổ sở thấy mà tội! Rồi cũng có lúc cô chạy ngược về lớp vì để quên... cặp kính cận, hic... Hồi đó đeo kính cận mắc cỡ lắm, vào lớp học mới chịu đeo lên, hết giờ học lại gỡ xuống. Cứ vậy thỉnh thoảng cô bỏ quên kính trong hộc bàn. Có khi đạp xe về nửa đường rồi lại phải ù té chạy ngược trở lại trường...

Anh chàng quay xe theo lúc nào cô chẳng rõ. Chỉ khi vào lớp lui cui lục hộc bàn, ngước lên, cô hết hồn thấy chàng đứng ngay trước mặt, đỏ đến mang tai, lắp bắp cái gì không rõ rồi nhét vội vào tay cô cái thư, xong quay lưng đi như chạy! hic...

Về nhà đến tối học bài xong mới lén giở ra coi. Chàng viết thì ít mà trích thơ của mấy ông thi sĩ hết hai phần. Đọc một hồi giống như được cả chục ông thi sĩ nổi danh tỏ tình cùng một lúc! hehe...

Hôm sau đi học, tuy cũng bối rối nhưng cô ráng làm ra vẻ tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra, dù cái đuôi mắt cũng chớp được cái vẻ mặt lấm lét khổ sở của chàng!

Cô không trả lời lá thư đầu tiên nhận được. Sau năm học đó, lớp cô gần như tan tác. Người vào PT, kẻ ra NT, có bạn lên ĐL, vào SG... Cũng có bạn nghỉ học ở nhà vì gia cảnh khó khăn...

Bẵng đi rất lâu, khi đã là cô giáo trường làng, cô mới biết tin tác giả lá thư đó không còn nữa. Anh đã mất vì viên đạn đi lạc hướng của một người say. Một cái chết ngẫu nhiên và thật vô lý!

Cô giữ mãi lá thư đến giờ, như sự chuộc lỗi với anh, cho việc mình đã vô tình. Cái vô tình thời con nít, biết đâu cũng đã gây tổn thương cho một người. Mong sao anh chỉ coi đó như kỷ niệm cho một tình cảm thoáng qua thuở học trò, đừng như vết hằn sâu của lòng tự trọng bị tổn thương.

Cô chỉ tiếc phải chi được gặp lại anh khi đã là người lớn, cô sẽ có câu trả lời dễ chấp nhận hơn, để anh thấy rằng cô vẫn trân trọng tình cảm đó, vẫn luôn nhớ cái vẻ lúng túng dễ thương của anh bạn và thú nhận với anh rằng cô cũng đã cảm động với những câu thơ non dại tuổi học trò...

Giờ đành xếp nó vào ký ức để mang theo cho nhẹ hành trang. Nhưng kỷ niệm nhiều lúc lại làm lòng ta nặng trĩu!!!


23/10/14

173. Từ bỏ


Cô đang loay hoay tinh giản mọi thứ đồ dùng hiện có trước khi thực hiện cuộc sống du mục. Phải làm sao để xếp cho thiệt gọn tất tần tật vào một chiếc va li. Cả quần áo, laptop và... đồ nhà bếp!

Bạn nói làm du mục không hẳn là từ bỏ thứ gì. Nhưng với cô thì thật sự cô phải từ bỏ... hơi bị nhiều! Trước tiên là hai thứ cồng kềnh nhất nhưng cũng thiệt là cần thiết, đó là tủ lạnh và máy giặt. Không có hai thứ thiết yếu đó, cô thấy như mình bị... chặt mất một cánh tay! hic...

Rồi đến cái TV và máy đĩa. Những bộ phim yêu thích không phải lúc nào cũng tìm được trên mạng. Vả lại ngồi coi trên laptop không sướng bằng vừa lắc võng vừa coi phim. Còn cái máy đĩa đã theo cô từ những ngày học tiếng Anh ở SG. Tối nào cô cũng lắp một đĩa rồi thiu thiu ngủ, đến nửa đêm thức giấc, cô mới tắt máy. Thân thiết như vậy, giờ đây cô cũng đành bỏ lại vì sức chứa của va li không cho phép, vì nó không thuộc danh mục đồ thiết yếu, lại không gọn nhẹ chút nào!

Vật thân thiết kế tiếp là cái võng. Chắc chắn không thể vác nó trên lưng mang theo rồi. Đành vĩnh biệt em thôi! hic... Vĩnh biệt luôn cái thú nằm lắc lư đọc sách, coi phim rồi ngủ hồi nào không hay. Nó là vật hổ trợ tuyệt vời cho giấc ngủ. Có lẽ rồi đây cô sẽ thường xuyên mất ngủ vì thiếu nó! hic...

Rồi một lô đồ vật nhà bếp, cũng quen thân không kém, từ bộ dao nhỏ lớn đủ loại, bộ hộp nhựa xinh xắn nước ngoài cô đã mua được mấy năm trước cho đến soong nồi, chai lọ nhỏ xíu dễ thương đựng các thứ... Cô sẽ phải bỏ lại hầu như gần hết, ngoại trừ vài món thật sự cần dùng, không có không được.

Kể cả mấy cái gối, gối dài, gối ngắn gì cũng hỏng có nhét được vào va li, bỏ lại thôi! huhu...

Bỏ lại cả những người bạn đã quen và mới quen. Những tình cảm vừa được vun xới, rồi đây cũng không tránh khỏi cái điều thông thường ông bà ta đã đúc kết, xa mặt, cách lòng!

Đành vậy thôi! Sống lúc nào cũng phải chọn lựa, lúc nào cuộc sống cũng bắt ta phải quyết định, đôi khi là những quyết định khó khăn, đầy nuối tiếc. Cái gì cũng phải bỏ lên bàn cân, và không phải lúc nào ta cũng san sẻ được cho cân bằng cả hai bên, để có thể ôm được vào lòng tất cả những gì ta muốn có!

Đành vậy!!!



15/10/14

172. Du mục


Từ nhỏ coi phim, đọc sách có nói tới dân bohemian, cô rất thích cách sống của họ. Họ sống nay đây mai đó, bốn biển là nhà, dong ruỗi trên đường không mệt mỏi. Những con người nét mặt phong trần, bụi bặm, phụ nữ ăn mặc sặc sỡ và ưa coi bói cho người khác. Dường như họ sống bất cần những quy ước của xã hội văn minh, bị người đời coi thường nhưng họ đã thực sự tận hưởng cuộc sống, sống hết mình cho những ngày vui bất tận, với những giai điệu rộn ràng, sôi động hoặc sâu lắng trong những đêm hạ trại trên dặm đường thiên lý...

Những mơ mộng thời trẻ với chân trời mới mẻ, tự do, phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, sống như dân du mục chỉ với chiếc xe ngựa, đi khắp chân trời góc bể, có lẽ không thể thành hiện thực. Nhưng cô cũng đã tới gần hơn một chút, với cái kiểu sống không nhà cửa cố định, thích ở đâu thì xách gói ra đi. Chỉ khác với người bohemian, thay cho mái lều là phòng trọ...

Thật nhẹ nhàng, thanh thản khi đã vứt bỏ những vướng víu đời thường. Chỉ cần túi quần áo, cái laptop là xong, có thể chu du từ bắc chí nam. Có thể chỗ này ở vài tháng, chỗ kia một năm... cho đến khi cánh chim đã mỏi, sẽ tìm về một nơi chốn định trước, hiến tặng thân xác cho ngành y.

Vậy cũng hết một kiếp người! Dẫu là vua chúa hay dân du mục, dẫu vùi xác bên đường hay được xây lăng mộ, ngày phán xử cuối cùng cũng như nhau thôi mà!



9/10/14

171. Tiếng rao


Cứ tầm hơn 4 giờ sáng là cô nghe tiếng rao của bà cụ bán xôi bắp đi ngang trước cửa. Thường thì cô đã dậy rồi, nhưng có khi còn nằm nướng, có khi đang ngồi gõ lóc cóc trên máy. Như một thói quen, đang gõ máy cô cũng dừng lại, lắng nghe cho đến khi tiếng rao nhỏ dần rồi mất hút trong tiếng vọng của mấy chiếc xe ngoài đầu đường lớn.

Giờ đó cô chưa mở cửa vì ngại gió lạnh và vì trời còn tối mờ, đường nhỏ còn vắng tanh, chưa có tiếng người đi. Vậy nên cô chưa tạn mặt người bán xôi. Cô chỉ đoán là một bà cụ lưng hơi còng, vì tiếng chân rất chậm. Giọng rao khàn đục của người nhiều tuổi, có hôm bà vừa rao, vừa ho. Có lẽ bà rao do thói quen, vì giấc đó có ai mở cửa mua xôi đâu.

Cô cũng muốn một lần thử mở cửa mua cho bà gói xôi, chào hỏi bà dăm câu cho bà vui, nhưng cô lại sợ. Thứ nhất cô sợ mình vô tình làm người mở hàng, nếu hôm đó rủi bà bán không hết, coi chừng bà thầm trách người mở hàng xấu, và mình lại ân hận. Dẫu cô không tin, nhưng cô thấy đa số người buôn bán họ đều rất tin vào điều đó. Thứ hai cô cũng sợ cái máu tò mò nổi lên khiến cô hỏi sa đà vào chuyện con cái, nhà cửa của bà, rồi coi chừng tối lại mất ngủ vì thương cảm không đâu, hic...

Từ ngày cô về đây ở, hình như chỉ có một ngày bà không đi bán, vì hôm đó sáng sớm mưa rất to. Những ngày mưa nhỏ giọng rao run run, có lẽ vì ướt lạnh. Và bây giờ hình như mỗi sáng cô lại đợi tiếng rao của bà. Có hôm cô bắt gặp mình nôn nao vì bà đi hơi trễ hơn mọi hôm.

Cô tự hỏi nếu đến một sáng nào đó không còn nghe thấy tiếng rao, và cả những sáng sau đó nữa, thì sao nhỉ! Có lẽ cô sẽ thấy trống trải, thiếu vắng cái gì đó đã trở nên rất quen thuộc, một trong những "tiếng đời xôn xao" quanh cô mỗi ngày. Cô sẽ cảm thấy nỗi bất an lớn dần, nếu bà cũng biến mất hoàn toàn trên đời, không để lại một chút dấu vết, một chút nhân dạng cũng không, chỉ còn lại trong ký ức cái giọng khàn khàn, run rẩy, bước chân nặng nhọc kéo lê qua cửa, nặng như một kiếp người lầm than, khốn khó!!!



7/10/14

170. Những âm thanh tuyệt vời...


6/10/14

169. Nỗi đau...


Cô đọc đâu đó câu "Cái chết cũng là khởi đầu của sự sống". Ngẫm ra cũng không sai. Ở vườn bạn, lâu lâu phải đốn bớt vài cây chuối già cỗi để lấy chỗ cho những cây con lớn lên. Những sinh vật, cây cỏ chết đi, xác vùi trong đất, rồi sẽ hóa thành chất dinh dưỡng cho những mầm xanh vươn cao đón ánh mặt trời. Con người cũng không thoát khỏi quy luật đào thải của tự nhiên. Vậy mới còn chỗ cho những bé con đang lớn, cho những thế hệ trẻ trung có đủ không gian vùng vẫy, phát huy sức trẻ.

Biết vậy nhưng những cái chết liên tiếp trong hai tháng qua vẫn khiến cô thấy mình chếnh choáng, đôi chân bước đi như không còn vững vàng trên con đường quen thuộc, mọi điều xác tín bấy lâu dường như đang lung lay...

Cô hiểu mình đang bị sốc, và cô cố gắng vượt qua cơn sốc bằng mọi cách, tự trấn an, dựa vào sự động viên của bạn bè, tìm những niềm vui mới để khỏi bị ám ảnh, không để mình rơi vào trạng thái miên man suy tưởng... Thế nhưng những đêm mất ngủ càng dày thêm, có khi suốt ba ngày không muốn bước chân khỏi cửa... Gặp bạn bè có khi lại vui quá mức cần thiết, khi thì trầm lặng không muốn nói gì...

Làm sao cô không nghĩ tới đám tang lúc sáng nay của chồng nhỏ bạn đã giao nhà cô ở. Hình ảnh bạn và cô con gái rũ rượi trước mộ huyệt, khi bạn bè, người thân ném lên quan tài anh những vốc đất nâu đỏ, đứa con trai mím chặt môi kìm tiếng khóc, thật là nát lòng!

Bà cụ mẹ bạn vừa mất hơn 10 ngày,  bạn đã phải đưa anh trở về quê trên chiếc xe bệnh viện, bất lực nhìn anh lịm dần đi khi xe mới ra khỏi thành phố... Trong cùng một tháng bạn chịu hai đại tang, còn gì đau hơn! Rồi đây khi làm xong thất đầu, những đứa con phải trở lại thành phố làm việc, bạn chỉ còn một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang với bàn thờ chồng, bạn phải sống làm sao đây!

Dù có viện dẫn những câu hay nhất của những bậc hiền triết trên đời, thì nỗi đau từ cái chết của người thân vẫn không cách gì được giảm nhẹ. Lòng người vẫn bị vò xé, tan nát, không còn biết phải sống tiếp như thế nào nữa. Có lẽ khi Thượng đế tặng cho con người trái tim và khối óc vượt trội những sinh vật khác, thì cũng đã buộc người ta phải chấp nhận nỗi đau sẽ phải đến trong kiếp người, phải trả giá cho xứng với những gì đã được ban tặng. Chẳng có gì được cho không cả!

Cô cũng chẳng biết phải làm gì cho bạn. Cảm giác bất lực khiến cô nhiều lúc như quẫn trí. Nhìn bàn thờ mẹ bạn cô lại nhớ khói hương trên bàn thờ chồng bạn, nhớ lúc bạn gào khóc khi đưa xác anh vào nhà...

Có lẽ cô phải thoát khỏi trạng thái này, nhưng thoát bằng cách nào, hở trời!!!



26/9/14

168. Vượt qua nỗi sợ



Gần hai tháng nay sống một mình trong ngôi nhà cổ, giờ thì cô đã có người ở cùng!

Nhưng cô phải gồng mình để sống cùng người ấy. Là bà mẹ già 96 tuổi của cô bạn đã giao nhà cho cô ở. Và bà cụ đã về miền cực lạc trong tuần qua!

Vậy là sau mấy ngày ma chay, giờ cô thay bạn cúng cơm, dâng nước, nhang khói cho cụ. Vì bạn đang lu bu chăm sóc ông xã bị bịnh ở SG. Cái chuyện dâng cơm nước, nhang khói thì không có gì đáng nói. Chỉ khi đêm về, một mình với cái bàn thờ khói nhang nghi ngút, ai cũng hỏi cô có sợ không. Sao lại không sợ hở trời! hic...

Không dưng cô nhớ bà lai hồi còn ở SG với con bé cháu. Lúc đó gần Tết, trời trở lạnh. Sáng sớm cô mặc cho cháu cái áo len, cháu phụng phịu không vui, vì sợ che mất cái áo đầm đẹp dì mới mua hôm qua. Dì mới thuyết cho cháu biết rằng nếu không chịu mặc áo ấm, cháu sẽ bị bịnh, mà trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, thì hai dì cháu "không có quyền bịnh", vì sẽ không đủ tiền đi BS đâu! Lúc đó cháu chỉ mới ba tuổi thôi, nhưng dường như cháu ý thức rõ điều dì nói nên cháu vui vẻ chịu mặc áo và không mè nheo nữa! Khoảng tuần sau cậu ở ngoài quê vào thăm. Sau khi ôm cổ cậu mừng quíu, cháu bèn nghiêm mặt nói, cậu vào đây là... không có quyền bịnh đâu đó nhe! Cả cậu và dì cười lăn vì cái vẻ bà cụ non của cháu, nhưng mắt dì lại đỏ lên vì thương cho cháu bị... già háp quá sớm!

Giờ thì cô tự nhủ, trong hoàn cảnh này mình cũng không có quyền sợ! Cứ coi như cụ đang đồng hành cùng cô trong ngôi nhà này, giống như lúc cụ còn sống, chưa lẫn lộn, cô đã từng ra vào, ăn ở nơi này cùng các con của cụ. Sự thân thuộc đó khiến cô vượt qua nỗi sợ, giúp bạn yên tâm lo trị bịnh cho chồng.

Có lẽ ở cõi vĩnh hằng, cụ cũng đang cười móm mém và bảo rằng, chẳng có gì đáng sợ cả con ơi!!!



13/9/14

167. Thuốc đắng...


Em "chó đẻ" đây nè! Hoặc là "Diệp hạ châu", nếu muốn văn hoa một chút! 

Từ lúc về nơi ở mới tới giờ, cô có thêm một công việc mới mỗi sáng, nấu lá thuốc uống trị viêm gan siêu vi B!

Riết rồi như một thói quen. Mở mắt ra, nằm nướng một chút lắng nghe lũ chim yến ríu ran bắt đầu rời tổ, tới phiên cô cũng bật dậy, lấy lá thuốc cắt nhỏ, bỏ vào nồi nấu lửa vừa khoảng nửa giờ.

Mọi công đoạn chuẩn bị đều không đáng nói, cả cái chuyện trước đó phải hong lá tươi trong mát cho đến khi khô ran mà vẫn giữ được cái màu xanh đục đặc biệt của lá khô.

Đáng nói là cái chuyện... uống cho hết bát thuốc đắng nghét kia cà! hic...

Cô đã từng uống nhiều loại lá thuốc. Thường xuyên nhất là lá trâm anh, còn gọi là cây hoa ngũ sắc hoặc ổi tàu... Lá thuốc nam thì không thể nào ngọt được. Ngay cả cái thứ dễ uống nhất như lá artichaud vẫn là loại khó, bông của nó thì dễ uống hơn. Tóm lại cô uống thuốc nam thuộc hàng... chuyên gia, nên cô tưởng rằng cái cây chó đẻ (cái tên đã... thấy ghét rùi! hic...) ốm nhách với chùm rễ và hàng lá nhỏ xíu này đâu nghĩa lý gì với cô, chỉ cần ực cái là xong!

Đúng là... tưởng bở! Cô chưa từng nếm cái vị nào đắng đến như vậy! Bát thuốc đầu tiên uống vào cô đã... ói ra gần hết! Ngày thứ hai cô chỉ ráng được đến một nửa. Ngày thứ ba, cô bậm gan làm một hơi, sau đó ngậm ngay một viên kẹo và nằm xuống võng, ôm chặt cái bụng, miệng ngậm cứng, như muốn giữ cho nó khỏi trào ra...

Giờ thì có kinh nghiệm rồi. Cô không dại làm một hơi như... uống bia nữa, hehe... Cô uống từng hớp lớn thuốc nóng, nghỉ một chút rồi uống tiếp, cho đến hết... Vậy là êm, khỏi cần ngậm kẹo!

Nhưng sao mà giống cái kiểu uống bia rượu dữ vậy không biết! Vì uống xong mỗi hớp phải... phà ra một cái, mặt thì nhăn lại, y như khỉ ăn ớt! hehe...

Ông bà mình nói "Thuốc đắng dã tật". Không biết bát nước thuốc mỗi sáng có "dã" được cái bệnh của cô không, nhưng nhờ vậy mà cái danh hiệu chuyên gia của cô cũng được... nâng lên một cấp rồi thì phải!

Có khi nào nhờ cắn răng chịu nếm cái vị đắng... trên tất cả các thứ đắng này, mà cô sẽ được tăng thêm nội lực để nuốt cho trôi những vị đắng khác trong đời, có khi còn tồi tệ hơn cái bát thuốc chó đẻ mỗi sáng của cô nữa! hic...



9/9/14

166. Ngụ cư



Lúc mới về ở khu phố này, cô còn lu bu quá nên chưa để ý. Giờ mới nghe được có những tiếng chim lạ vang vọng mỗi sáng, mỗi chiều. Không phải tiếng chim sâu lảnh lót từng tràng dài như ngoài quê cũ. Không phải tiếng lũ chim sẻ lách chách cãi nhau. Cũng không phải tiếng mấy anh chích chòe lửa điệu đà lên bổng xuống trầm... Cô mới nghe lần đầu tiếng chim này, một thanh âm vút lên hơi chói tai như âm la, nhưng là của một dây la bị chùng, hơi rè, một kiểu echo lạ, khiến cô thích thú và tò mò lắng nghe...

Không những nghe mà còn chạy ù ra cửa để kịp bắt gặp một bầy chim hình như vừa mới bay vù ra khỏi tổ. Chúng vừa bay vừa kêu, rền vang dãy phố và che rợp cả khoảng trời không rộng lắm trong phố thị. Hình như chỉ có mình cô chạy ra cửa dõi theo bầy chim. Ở đây không ai lạ lùng gì chúng, bởi "nhà" chúng ở chỉ cách nhà cô vài ba căn, nhưng ở phía sau nên những ngày đầu cô không để ý.

Thân hình chúng nhỏ gọn thôi, với hai cánh nhọn đặc trưng, giúp chúng bay lượn nhẹ nhàng với kỹ năng của một phi công tài giỏi, liều lĩnh trong những đợt thi nhào lộn máy bay. Nhưng người ta biết đến chúng nhiều nhất nhờ những cái tổ nhỏ xinh, quý giá chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Thường chúng sống theo bầy ngoài những đảo xa, những hang đá cách trở hiểm hóc. Nhưng cái tổ quý hiếm của chúng đã khiến con người tìm đủ mọi cách chiêu dụ chúng về sống ở phố thị, ở cái tầng ba phía sau nhà cô.

Vì đâu lũ chim chịu về nơi này? Máy móc nào, công cụ nào khiến chúng cuống cuồng rời bỏ biển đảo, về trú ngụ trong cái tầng ba chật hẹp, không còn những vách đá cheo leo quen thuộc, không còn tiếng sóng ngày đêm ca hát... Và mỗi sáng mỗi chiều chúng bay đi đâu? Tìm thức ăn hay tìm về chốn cũ? Điều gì khiến chúng chấp nhận làm kẻ ngụ cư? Chẳng lẽ nơi này là chốn bình yên hơn những hốc đá ngoài kia?

Thật đáng thương cho chúng, và cả cho cô! Vì có nơi nào là ốc đảo an bình tuyệt đối, ngoài tâm hồn chính mình? Chỉ khi rúc vào nơi đó, cuộn mình vào đó, một mình một bóng, không phải giao tiếp bất cứ ai, mới là chốn bình an thật sự. Nhưng chim chóc đâu cần điều đó, chỉ có con người mới thiệt là nhiễu sự! hic...


3/9/14

165. Quà của người không quen


Mỗi sáng, cô đạp xe qua cầu, ghé vào công viên bên bờ sông tập bài thể dục nhẹ của mấy đứa học trò. Miễn là có đủ động tác vươn thở, tay, hông, chân cẳng là đủ khỏe. Cô nghĩ vậy, với ánh nắng ban mai, những tán cây xanh và làn gió từ mặt sông thoáng mát, người ta sẽ được uống một liều thuốc bổ tự nhiên mà không phải trả một đồng nào cả, kể cả tiền giữ xe, thiệt là quá tốt!

Thường thì khi tập xong, cô đi lòng vòng hít thở theo những con đường nhỏ quanh co trong công viên, vừa ngắm nhìn cây cỏ, vừa tìm chỗ ngồi vắng người, đọc vài ba trang sách mang theo. Cô ưng nhất bộ bàn ghế đá nhỏ vừa dưới gốc sứ trắng, ở một góc khá yên tĩnh. Loay hoay lấy khăn lau ghế, cô vừa yên chỗ đã thấy trên mặt bàn một đống bông sứ rơi vãi. Lúc đầu, cô tưởng bông sứ tự rơi xuống mặt bàn, nhìn kỹ mới thấy hình như đó là hình tượng một Hán tự thì phải. Cô vốn dốt cổ văn, cổ ngữ, chỉ biết vỏ vẻ vài chữ thông thường thôi, nhưng cô chắc rằng đây là một dạng chữ Hán. Nhìn quanh chẳng thấy bóng ai cả, cô lấy sách ra đọc một lát. Lúc ra về, cô tần ngần nhìn mớ bông sứ còn tươi, còn thơm thoang thoảng trên bàn với một ý nghĩ thoáng qua...

Thế là từ đó, sáng nào cô cũng về nhà cùng với mớ bông sứ. Trên chiếc bàn nhỏ, có thêm một chậu nhỏ lung linh những bông sứ trắng điểm màu vàng tươi, và hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết cứ thoang thoảng quanh nhà cho đến buổi chiều tàn...

Rồi cô chợt tò mò, không biết cái món quà... trên trời rơi xuống cô nhận được mỗi sáng của cái người như thế nào, hình dạng ra sao, giả hay trẻ, đàn ông hay đàn bà... Con người đôi khi tự làm phiền chính mình vì cái sự tò mò không chính đáng ấy. Cô tự cười mình và không muốn tìm hiểu làm chi. Nhưng suy luận cứ chợt đến hằng ngày dù cô không muốn. Này nhe, có một tàn thuốc lá rơi vãi dưới ghế, vậy người này là đàn ông chắc rồi. Còn nữa, thỉnh thoảng cô thấy vài sợi lông chó vương lại trên ghế ngồi. Đích thị có một chú chó lông vàng chạy theo mỗi sáng, có lẽ còn nhảy phốc lên ghế ngồi cạnh chủ nữa. Và cô đoán rằng ông ta cũng khá lớn tuổi mới rành về Hán tự khi mỗi ngày lại xếp một chữ khác nhau. Chắc không phải là một cụ già lụ khụ, ho sù sụ, vì còn dám hút thuốc là còn khỏe, chưa đến nỗi nào... Cô tự đuổi cái ý nghĩ muốn... mục sở thị cái người mỗi sáng tỉ mẩn lượm những bông sứ rơi còn tươi, rồi ngồi xếp thành chữ để lại trên mặt bàn. Chỉ để thỏa cái tò mò, mà nhiều người chẳng đã từng thất vọng vì người và vì chính mình đó sao!

Thôi thì cô cứ an nhiên hưởng lấy mớ bông sứ rụng được xếp sẵn trên bàn, như một món quà của người xa lạ. Và nếu như có thật một hồn hoa, chắc những bông sứ lung linh trong chậu sẽ rất vui, vì còn có người đang cố níu giữ một chút hương tàn...


28/8/14

164. Tiếng thời gian


Cô nhớ hình ảnh Ba mỗi chiều ngồi trước cửa nhà, với cây đàn mandoline cũ kỹ, so dây, nắn phím... Và rồi những âm thanh rộn rã vang lên với cách đánh hợp âm rất điệu nghệ và kỹ thuật rung dây thật điêu luyện!

Thường Ba đàn và hát những bài vui tươi, những hành khúc thôi thúc lòng người. Nhưng có hôm, hình như Ba buồn chuyện gì đó, khác với lệ thường, âm thanh cây đàn bỗng réo rắt, trầm lắng với giọng hát chậm buồn, như luyến thương, hoài niệm một quá khứ xa xưa...

Không hiểu sao giờ đây cô lại nhớ câu hát ấy "Nghe tiếng thời gian âm thầm trôi..."

Có lẽ vì mỗi đêm, trong ngôi nhà bạc màu thời gian này, khi mọi âm thanh ngoài đường phố đã dần im vắng, cô bắt đầu lắng nghe những âm thanh đặc biệt. Âm thanh của những miếng vôi vữa không còn đủ sức bám dính vào vách tường, bong tróc, rơi xuống nền gạch, rất khẽ khàng nhưng đủ dội vào lòng cô, như tiếng thở dài từ biệt cuộc đời của những mảnh tường vôi, đã không thể bám chặt vào cuộc sống, cùng với bức tường đi trọn một vòng đời của vật chất hữu hạn...

Đó cũng là tiếng của thời gian trôi thật chậm mỗi đêm, âm thầm nhưng có thật, nhắc nhở cô từng giây phút đang trôi qua, trôi qua...

Dường như ngôi nhà này là hình ảnh của chính cô, bạc màu, vá víu. Và cô cũng đang rơi từng mảnh vụn mỗi đêm, chỉ còn cái hồn cốt bên trong, chờ cái ngày thời gian làm nốt chức năng cuối cùng của nó!

Có bao nhiêu người đang lắng nghe khúc tự tình của thời gian mỗi đêm, như cô?



20/8/14

163. Vườn trong phố...

Hình ảnh
 bà chủ góc thiên đường của tui nè!
 cây chen đá, lá chen hoa


 hồng cam quá đẹp!
 em hồng kiêu sa




 nhỏ xíu mà rực rỡ ghê chưa!

 mắt nai ơi, cha cha cha!
 hồ lô nè, dễ thương chưa!

 Em chuối này làm gỏi ngon lắm nhe pà kon!

Vườn nhà bạn nhỏ thôi, chắc chỉ một sào đổ lại. Không giống những khu vườn khác cô đã từng thấy, vườn của bạn không có các lối đi rải sỏi, các loài cây không được chia thành từng loại với những ô vuông vắn, cũng không có rìa cỏ mượt mà làm thành đường viền xanh mát mắt. Bạn cũng không cố công sưu tập những loài cây quý hiếm...

Thế nhưng chỉ cần rảo quanh mảnh vườn bé tẹo của bạn một vòng, ta đã có đầy đủ rau cải cho một bữa ăn đầy chất xanh, bảo đảm là rau sạch! Này nhe, bầu hồ lô cái lớn cái nhỏ treo lủng lẳng trên giàn, đậu rồng e ấp núp dưới đám hoa lá rậm rì, phải cúi lom khom mới hái được. mấy cây cà đơm đầy trái vừa đỏ, vừa xanh, vừa ưng ửng, căng mọng trong nắng, nhìn chỉ muốn cắn một phát! Còn rau thơm thì chỉ cần vài loại đủ để làm gỏi hoặc làm món rau trộn dầu giấm truyền thống, anh chàng nào cũng xanh mượt, ngắt bằng tay rất sướng khi nghe tiếng cọng rau non gãy một cái bụp! hehe...

Bạn lại còn tận dụng không gian trống trên cao nữa. Giàn phong lan được nhân giống treo trên một khoảnh đất trồng rau. Và quanh các gốc dừa, gốc cau, lan cũng được cấy bám vào, cho nó sống ký sinh, không cần tưới tắm.

Hình như các loài cây cũng biết đất trong phố thị hiếm hoi lắm, nên chúng mọc chen chúc cùng nhau, không nề sang hèn, cao thấp. Nàng hồng kiêu sa cùng chen vai sát cánh với những em mắt nai nhỏ nhắn xinh xắn dễ thương. Cây lan rừng bông trắng nhỏ xíu thơm lừng vẫn tự tin khoe hương sắc với mấy em lan ngoại to đẹp nhưng chẳng có mùi gì cả. Tất cả sáng nào cũng reo vui khi được cô chủ tưới tắm dưới nắng mai...

Cô mê mảnh vườn của bạn lắm! Mỗi tuần vài lần cô ghé qua sau khi tập thể dục trong công viên, ngồi dưới gốc dừa mát rượi gió sớm từ cái ao bèo bên cạnh, nghe mấy anh chim cu gù trong nắng, vừa nghe nhạc trong cái máy nhỏ bạn mang ra vườn, vừa nói chuyện khi bạn tưới cây quanh đấy. Hai đứa cứ tỉ tê nói chuyện, có khi giọng bạn ở tít cuối vườn "Nói to lên, tui tưới chỗ giàn mướp nè!" Tâm sự loài chim biển mà phải... la làng lên, hỏng biết cả xóm có ai nghe không nữa! hic...

Nếu thiên đường là nơi người ta thấy bình an, hạnh phúc, thì đây chính là một góc nhỏ thiên đường của cô, và của cả nhóm bạn bè, khi mỗi tháng họp mặt một lần nơi này, chỉ để nói chuyện trên trời dưới đất, để thỉnh thoảng phát hiện tụi mình đã có thêm một dấu chân chim, để cảm khái rằng thời gian của chúng ta không còn bao lâu nữa đâu, rằng chúng ta cùng biết trân quý từng giây phút này đây, bởi nó sẽ cứ trôi qua, trôi qua, dù chúng ta có muốn hay không...


15/8/14

162. Tin vui mỗi sớm mai...



Cô vào ở mới mấy hôm, bạn bè đã lo sốt vó. Cái tội đi ra đường quên mang theo điện thoại, bạn gọi hoài không thấy bắt máy. Hơi lo, bạn gọi cho một bạn khác, nhờ bạn đó gọi thử coi sao. Dĩ nhiên cũng không thấy trả lời. Thế là mấy bạn quýnh lên, cho người phóng ngay xe máy đến nhà, coi thử có... trúng gió trúng máy gì không. May quá, còn sống nhăn răng! hehe...

Thế là có một quy định mới buộc cô phải tuân thủ. Mỗi sáng, làm gì làm, phải gởi một tin nhắn vào máy của một bạn đặc trách công tác... theo dõi, để cả nhóm yên tâm rằng cô vẫn bình an vô sự! Ai biểu cứ đòi ở một mình để cho bạn bè phải lo lắng chớ! hic...

Vậy là mỗi sáng, có những tin nhắn được phóng lên không trung, qua những con sóng vô hình, làm máy của bạn rung lên một điệu nhạc vui, "Hi bà ròm, tui còn sống nhen reng nè! hehe...", "Ê, bà đang làm vườn hả?", "Xin chào, tui đang uống sữa nè!", "Làm gì đó? Xuống tui đi!"...

Có hôm sực nhớ giữa những bộn bề công việc, tin nhắn cụt ngủn gởi đi, và nhận lại cái cười của bạn. Đôi khi quên bẳng, gần trưa cô nhận câu hỏi đầy lo âu "Khỏe hả? Có sao ko?"

Đó là những tín hiệu vui đầu ngày được trao đổi giữa bạn bè. Nó khiến cô thấy ấm áp, tươi tắn và tràn trề sinh lực. Nó đẩy lùi những lo lắng về chuyện áo cơm. Nó làm những nỗi buồn quá khứ dần lắng xuống, ngủ yên, không làm khó cô nữa. Nó cho cô tự tin bước đi trên những con đường còn lạ lẫm. Những gương mặt người xung quanh thiếu vắng sự thân quen không còn làm cô e dè và khiến cô bạo dạn nở một nụ cười thay câu chào hỏi...

Và ngày hôm nay, lần đầu tiên, cô mở toang hai cánh cửa sổ cho ánh nắng tràn vào ngôi nhà cũ kỹ, như một lời mời chào cuộc sống mới.

Tin nhắn mới nhất của cô "Chào tia nắng đầu ngày! Tui vẫn khỏe!"



5/8/14

161. Làm quen với hai hồi còi hụ mỗi ngày!


Thành phố đón cô bằng những trận mưa, có khi rỉ rả suốt từ sáng đến tối, có lẽ ảnh hưởng bão. Vẫn chưa có dịp cùng con ngựa sắt nhong nhong đi thăm thú khắp nơi, làm quen với những con đường lớn nhỏ. Vẫn chưa ra chợ để coi thử có giống chút nào cái chợ quê thân quen của cô. Có nghĩa là mọi thứ với cô vẫn còn mới toanh. Cũng có nghĩa cô sẽ có một thời gian khá dài đầy thú vị với những khám phá mới mẻ của riêng mình.

Không phải đây là lần đầu cô tới thành phố này. Nhưng chỉ là những lần đi chơi, thăm bạn bè hoặc có một công việc gì đó buộc phải đi. Cô chỉ ở lâu nhất một tuần, thường là dăm ba ngày, và đi đâu cũng có bạn đưa đón. Lần này thì khác hẳn. Cô tới làm dân ngụ cư (là cư dân hạng hai!). Dù cô đã từng ở trọ học trong ba năm cấp ba, nhưng lúc đó thành phố rất khác, như một cô bé nhà quê còn rụt rè, nhút nhát. Giờ thì nó đã thay da đổi thịt đến độ con người đã từng trú ngụ ba năm phải bối rối vì chỉ còn một ít dấu vết quen thuộc.

Những ngày đầu nơi đây, cô phải tập làm quen với những hồi còi hụ vang vọng cả thành phố. Biết là hai hồi còi báo giờ làm việc (7g sáng) và giờ tan tầm (5g chiều), vậy mà cô vẫn cứ giật mình, chưa tỉnh bơ được như dân chính chủ! hehe... Trong cô vẫn bị ám ảnh những hồi còi báo động khi còn chiến tranh, dù chỉ là coi trong những quyển truyện nước ngoài và nước mình. Cô chỉ hơi thắc mắc, sao ai cũng có đồng hồ lớn, đồng hồ nhỏ, mà lại phải nhắc nhở bằng cọi hụ chi dzậy! Có lẽ đó cũng là nét riêng của thành phố này. Vậy cũng tốt, lỡ có ai ngủ quên, không kịp coi giờ thì nghe tiếng còi rền vang cũng phải nhảy nhổm dậy ngay để đi làm, dù lúc đó coi như đã trễ rồi! hehe...

Nhưng mà cô còn một thắc mắc nữa. Lỡ như có chiến tranh, hay có gì cần báo động thì làm sao? Nếu hú còi, người dân lại tưởng là còi báo giờ làm việc (họ tưởng còi báo sai giờ), rồi cứ tỉnh bơ, thủng thỉnh mà đi thì chỉ có... từ chết tới bị thương thui! hic...

Cô tự cười mình lẩn thẩn, khéo lo xa. Giờ thì phải làm sao để không được... giựt mình cái đụi nữa khi nghe còi hụ, đó mới là chiện quan trọng! hehe...



17/7/14

160. Vàng như nỗi nhớ...



chiều phai 

mở lối hồn hoang

rực vàng nỗi nhớ 

mênh mang giọt buồn

đêm rơi

gọi ánh trăng suông

trùng lai

mơ bến sông Tương 

mịt mùng...




15/7/14

159. Đón nắng vào nhà



Không hiểu sao cô rất ưa cái công việc đầu tiên trong ngày là đi mở tất cả các cửa, từ cửa lớn, cửa sau, cửa hông, cửa sổ, cửa chớp, cửa đẩy, cửa kéo...

Nhà cô thì nhỏ thôi, nhưng cửa thì khá nhiều. Bạn nói cửa nhiều vậy, nghèo là phải (?), trống hoác kiểu này, của cải kéo nhau đi sạch! hic...

Cái cảm giác từ trong tối bước ra ánh sáng khi mở cái cửa đầu tiên, nó... khó tả lắm! Lúc nào cô cũng đứng lặng một phút, nhắm mắt, hít nhẹ cái hương rất riêng của buổi sáng sớm. Mùi hương của sự sống, của một ngày mới bắt đầu. Dường như vạt cỏ trước nhà cũng đang vươn lên trong nắng sớm, mấy nụ mầm bé xíu của đám bông mười giờ he hé cái chấm hồng hồng trên cái đài hoa chúm chím còn chưa chịu khai mở. luống bông bướm cũng rung rinh khoe cái màu đỏ pha vàng, dễ khiến ta liên tưởng ly nước cam vàng mật mát rượi lấy từ tủ lạnh.

Rồi cô kéo màn các cửa sổ, mở cửa sau, cửa hông... Và căn phòng sáng rực lên trong tia nắng sớm. Nắng cứ... bò vào từng tí một. Từ ngạch cửa, lần đến đầu chiếc võng xanh, rồi chui dưới gầm chiếc ván nhỏ, như đang chơi trò trốn tìm với cô chủ. Lui cui dọn dẹp, tưới tắm cho mấy chậu cây xong, "em nắng" đã chễm chệ trước cái TV rồi, như muốn nhắc cô tới giờ coi thời sự buổi sáng rồi nhe! hehe...

Những hôm trời ủ dột, nắng trốn mất tiêu, chỉ có một màu mây xám nhẹ, cô thấy buồn buồn... Em nắng không thèm ghé thăm, thôi thì cô và em xe đạp nhong nhong đi cafe vậy!

Không biết mai này, nắng ở nơi kia có khác với màu nắng nơi này không. Nhà nơi kia ít cửa hơn, có lẽ cô sẽ mất cái thú vui tìm coi em nắng nghịch ngợm đã bò tới đâu rồi. Hoặc cái nắng nơi ấy cũng... già như cô chăng, nên chắc là không thích trò chơi trốn tìm nữa. Chợt lẩn thẩn hỏi nhỏ:
- Cô đi rồi, nắng có buồn không? (Sến chịu hỏng nỗi! hehe... )





13/7/14

158. Chợ quen



Cứ sợ bị cười nhạo khi nói rằng ra đi cô sẽ nhớ... cái chợ!

Chợ là nơi tập trung mọi thứ trên đời, các sản vật bày bán và cả mọi giá trị đạo đức, nói chung là... tả pín lù! Nhưng cô đã quen với cái chợ này vài chục năm nay, còn trước cả khi quen người yêu đầu tiên! Má cô kể rằng đâu lúc cô 6,7 tuổi gì đó, ông chú nghệ sĩ đã đẩy cô lên hát trong ngày khai trương chợ (có màn văn nghệ nữa, ghê thiệt! hehe...)

Chợ khá đông đúc và là chợ đầu mối, quy tụ dân cư các vùng quanh đó. Thứ Bảy và CN thì chen chân không lọt! Và có gần như đủ các mặt hàng, thiết yếu lẫn xa xỉ. Cái đáng nói là cô quen hầu hết các sạp hàng trong chợ, kể cả những người thường xuyên đi chợ mua bán. Có gì lạ đâu, cô giáo gặp phụ huynh mà! Kể cả những người lạ hoắc khi chào cô, biết ngay là phụ huynh của một em nào đó, trong một năm học nào đó, sao nhớ nỗi!

Có một lần, ra tới chợ rồi, khi phải trả tiền cho món đầu tiên vừa mua, cô mới biết đã bỏ quên bóp tiền ở nhà, hic... Không lẽ chạy về! Vậy là cô làm liều đi một vòng chợ, mua đủ các mặt hàng trong ngày, tới hàng nào cũng nói thiệt quên mang theo bóp tiền, ai cũng cười xòa và cho cô... ghi nợ! hehe... Đi chợ mua đầy đủ các thứ mà hỏng có đồng nào trong túi, kể lại với bạn, ai cũng bảo nói xạo! hic...

Cô cũng quen cái kiểu trả giá vài ngàn với một nụ cười. Hình như người mua không trả giá, thì người bán cũng... không vui! Giống như hồi nhỏ chơi đồ hàng, cũng bày ra đủ thứ hàng giả bằng hoa lá cành, và cũng tập trả giá qua lại với nhau, đó cũng là một nét đặc trưng của... văn hóa chợ.

Cô quen một chị chuyên gánh nước thuê cho các sạp hàng. Thỉnh thoảng đang gánh nước, chị lại lên cơn động kinh, thế là cả góc chợ nháo nhào, người bấm huyệt, người thoa dầu, rồi tìm một chỗ trống nào đó trong chợ cho chị nằm nghỉ ngơi, lát sau tỉnh, chị lại tiếp tục gánh nước! Chút tình người ngày càng hiếm hoi, thỉnh thoảng vẫn lóe lên ở cái nơi hỗn tạp, khiến cô chạnh lòng!

Cô cũng mê hàng cá. Những con cá tươi xanh, còn dính cát, có con vẫn còn ngáp ngáp, đủ loại, làm cô mê mẩn. Bạn hỏi sau này hết dạy học, thích mở sạp hàng nào trong chợ để bán cho vui, cô nói tui thích... bán cá! Bạn cười ha ha, tưởng cô nói trạng! hic...

Những nụ cười, những câu chào mời í ới gọi cô khi đi ngang, kể cả chuyện bị níu áo để phân bua nhờ cô giáo xử cho những vụ va chạm nhỏ giữa các chủ hàng trong chợ, đó cũng là những niềm vui nhỏ trong ngày. Cô hòa mình một cách tự nhiên vào không khí chợ. Có khi không mua gì, cô vẫn đi rảo một vòng, trầm trồ trước những hàng rau quả tươi ngon từ nhà quê đem xuống, hoặc ngồi thiệt lâu vọc những con cá mới từ biển đưa lên, thích nhất cặp mắt cá trong veo như đang nhìn cô dò hỏi...

Khi xa chốn này, cô biết mình sẽ còn rất lâu mới bớt nhớ cái chợ thân quen, và cũng sẽ lâu như thế, để cô quen dần với cái chợ mới, lạ lẫm, ngập ngừng trước những sạp hàng mới, những con người mới, càng thấy thiếu vắng nụ cười thân tình, ánh mắt ấm áp, với câu chào đúng kiểu chợ quê!

Ôi, cái chợ của tui, chưa xa mà đã thấy nhớ! hic...




11/7/14

157. Giếng cạn



Ngoài sân nhà cô có một cái giếng đã cạn khô. Dưới đáy chỉ còn ít sỏi, vài ngọn cỏ èo uột cong rủ xuống, mặt cát khô rang, những mảng rêu bám kẽ giếng cũng không còn giữ được màu xanh nguyên thủy...

Không còn nước nên cái giếng không còn nét sống động của mây trời in bóng, của những gợn nước lăn tăn theo ngọn gió đùa... Quạnh quẽ, hoang vắng, rỗng không...

Nước, đã cho đi hết rồi, và nguồn đã cạn kiệt, một cái giếng chết!

Cô cũng không hiểu tại sao cô không cho lấp cái giếng đi. Thỉnh thoảng, những lúc không có gì để làm, cô kéo ghế ngồi bên thành giếng, nhìn xuống những tàn tích còn lại, nhìn xuống cái âm âm, rờn rợn của đáy giếng, và tiếng gió vọng u u rền rỉ đôi khi làm cô thấy ớn lạnh.

Dường như bây giờ cô cũng là một cái giếng cạn. Cũng sâu hút, khô kiệt, âm u... Chẳng buồn, chẳng vui, chỉ thấy trống rỗng. Chẳng có điều gì để cô có thể reo lên kinh ngạc. Cũng không còn chất ngất nỗi buồn thương. Cô chỉ thấy dửng dưng với tất cả mọi người, kể cả người thân. Không còn lo lắng cho ai, cũng không quan tâm đến việc gì. Bên trong cô là một cái giếng chết!

Cũng chẳng có gì là tệ hại. Cô thấy bằng lòng với mình. Hình như cô đã cắt đứt sợi dây liên hệ của cô với thế giới bên ngoài. Cái người vẫn làm mọi việc trong ngày, vẫn giao tiếp với nụ cười trên môi, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ bình thường, chẳng có quan hệ gì với con người, là cái giếng cạn trong cô. Cô đã tự ngăn cách tâm hồn mình với những xao động ngoài kia, và cảm thấy thật bình an!

Cái giếng, nó đã làm hết chức năng của nó rồi. Và giờ thì nó được quyền ngơi nghỉ...




9/7/14

156. Bén ngót đến cứa nát cả tim mình!


Vừa đọc xong tập sách Chị gởi tặng. Đúng hơn là đọc xong cách đây vài ngày, rất muốn viết về "THỊ", nhưng cứ loay hoay với những ý nghĩ lộn xộn, rời rạc, không dễ để viết thành bài... Sao thế nhỉ? Thường thì mình viết khá dễ dàng một đề tài nào đó, có khi là cảm hứng bất chợt, có khi sau vài ngày nghiền ngẫm cho chín muồi...

Có khi vì bạn bè Chị đã... giành nói hết ý rồi chăng! Không phải vậy. Có lẽ vì Chị đã viết quá thật, đã tả quá chân, về "Nó", về người, nên mình không muốn viết những cảm nhận có vẻ... hoa lá cành, hiền lành, tránh né, như kiểu viết thường nhật của mình. Lẩn thẩn nghĩ, may mà Chị không là họa sĩ, bởi với tính cách ấy, những khuôn mặt người Chị vẽ ra, sẽ dữ dội lắm, sẽ chân thực lắm, sẽ lột tả hết tận cùng những ngóc ngách đen tối của tâm hồn. Những khuôn mặt Chị vẽ, sẽ méo mó, xệch xoạc, sẽ dữ tợn như thú, sẽ phát ra tiếng gầm gừ khi ta nhìn gần, và sẽ có những giọt nước mắt ngân ngấn trong một mặt người nào đó, nếu ta nhìn thật sâu...

Những bài viết có vẻ tếu táo, nhưng cũng thật... tàn nhẫn. "Nó" không nương tay với ai cả, ngay cả chính "Nó"! Người đọc sẽ cười, nhưng thấy đau, vì thấp thoáng đâu đó, là hình ảnh của chính mình. Những dòng chữ bén ngót, cứa vào tim mình, cứa nát cả trái tim của chính "Nó"!!!





2/7/14

155. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...



Dạo này cô rất thích nấu ăn. Có lẽ tại rảnh rỗi, cũng có thể vì sau cơn bệnh, cô rút ra bài học rằng phải biết tự chăm sóc cho mình. Nếu tự mình coi thường bản thân thì thử hỏi có quyền gì chờ đợi người khác coi trọng mình! Cái này là thuần về thể chất thôi, hehe...

Cô chăm chút bữa ăn hơn trước. Phần vì muốn kích thích cho mình thèm ăn để mau lại sức, phần vì cô khám phá rằng nấu ăn cũng mang lại niềm vui. Nếu ta nấu một cách vội vã cho xong bữa, vì sợ không kịp thì giờ làm việc khác, thì việc nấu nướng chỉ là gánh nặng. Dạo trước cô cứ hay nói với bạn bè: Ước gì có một viên thuốc uống vào là no luôn trong một tuần thì thần tiên quá, giải phóng cái việc nấu nướng nặng nhọc cho phụ nữ dành thời gian lo việc xã hội, lo kiếm tiền, có đủ thời giờ giải trí, vui chơi như cánh đàn ông vậy!

Giờ cô mới hiểu vì sao có những phụ nữ suốt đời chỉ ra vào bếp núc, làm mọi việc nhà mà họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc!

Khi ta để hết tâm trí vào việc nấu nướng, từng chút một, làm chậm rãi, nhẹ nhàng như một trò chơi, thì mới thấy hết cái thú vị của nó. Ta vui sướng hít một hơi cái mùi xào nấu trên chảo bếp, nhắm mắt lại cũng thấy được màu rau xanh nõn trong món canh ngót, tỉ mẩn từng công đoạn chế biến món bánh cuốn bằng chảo hoặc một tô canh riêu... Và thú vị nhất là cái khoản dọn mâm bát, múc thức ăn thơm lừng, nóng sốt ra đĩa, rồi nhẩn nha thưởng thức, gật gù tự khen, dù là chỉ... một mình một ngựa!

Cô lại còn nâng cấp "trò chơi" này bằng cách tập cho gia vị chỉ nhắm chừng bằng mắt mà không hề nêm nếm lại. Nó cho ta cảm giác hồi hộp khi bắt đầu ăn, thử coi trình độ ước lượng của mình đã đến mức độ hoàn hảo chưa. Giờ thì có lẽ dù chưa đạt đến bậc thượng thừa như... Yan Can Cook, cô tự xếp loại mình cũng là một tay đầu bếp khá lành nghề, dĩ nhiên chỉ là những món thông thường của các bà nội trợ thôi!

Và như thế thì mỗi ngày cô đều có được ít ra cũng một niềm vui, một niềm vui không sợ đụng hàng! hehe...






30/6/14

154. Mưa bụi



Sáng nay loay hoay nấu ăn sớm trong nhà. Khoảng gần 8g cô mới lấy xe đi ra đường. Ngỡ ngàng khi thấy khoảng sân gạch đỏ trước nhà và mặt đường lấm tấm ướt vì những giọt mưa li ti. Mưa nhỏ quá không đủ gõ nhịp trên mái tôn nên cô chẳng hay biết gì.

Cô và chiếc xe đạp lướt nhẹ trên đường. Thích gì đâu! Cô hơi ngước mặt, để những giọt mưa nhỏ chích nhẹ vào mặt, vào cánh tay trần. Những giọt mưa không đủ chảy thành dòng, không đủ ướt áo, ướt tóc. Những hạt bụi nước từ màn trời xám nhẹ, buông những sợi tơ trong trẻo, mát lạnh xuống đời, vuốt ve cánh hoa bướm màu cam rực rỡ, xoa dịu chiếc lá khô vừa lìa cành tối qua, nhẹ đến nỗi không đủ sức tạo nên nhịp ru cho giấc ngủ muộn, nhẹ đến nỗi cô phải bật thốt lên mừng rỡ, kinh ngạc!

Cô quá yêu những buổi sáng mưa bụi ở quê cô! Mưa bụi nơi khác có thể kèm theo một chút lạnh dìu dịu, se se. Nhưng làn mưa bụi ngày hè mát rượi ở xứ cô không làm ai bận tâm đến chiếc áo mưa hay khoác áo gió. Chúng mơn man trong hơi gió nhẹ, đáp vào làn da trần, như cái hôn rất khẽ, rất nhanh, khiến ta không kịp từ chối...

Và cô chẳng bao giờ bỏ lỡ dịp đi ra đường dưới những hạt bụi dễ thương như tơ trời. Cô cứ đạp loanh quanh, không chủ đích, lòng dịu lại những lo toan, bức bối. Nếu có điều gì khiến cô nuối tiếc khi chia tay hồng trần, có lẽ cô sẽ chỉ tiếc những hạt bụi nước buổi sáng lâm thâm như thế này!



27/6/14

153. Những người bạn có cánh



Đúng hẹn lại lên! Cứ vào hè thu là nhà cô lại có khách đặc biệt đến cư trú, mà lại xin ở lâu dài nữa mới lạ!

Đó là bầy ong ruồi đen thui. Chúng bay đến làm tổ vào mùa hè và ở mãi đến thu, rồi tách đàn ra đi, bỏ lại cái tổ khô rơi rụng dần để rồi năm sau lại kéo đến, đúng vào cái cành cây ấy và ngay chỗ cũ, không sai một li, hay thiệt!

Năm đầu tiên chúng đến làm tổ đóng mật, cô nghe lời anh chàng hàng xóm, xin được qua lấy tổ ong giùm để cô uống bồi dưỡng. Nghe bùi tai cô đồng ý và đứng... thị phạm từ đầu chí cuối cái quy trình lấy mật của anh ta. Cuối cùng cô ngao ngán nhìn tô mật đầy xác ong đang rẫy chết, nhìn anh ta chia phần cái tổ ong còn đầy những con ong non trắng nõn, nhìn xuống nền nhà đang quằn quại những chiến binh ong cố liều mạng bảo vệ tổ, vài con còn sống đang xao xác bay quanh cái cành còn vương chút mật... Cô không còn lòng dạ nào ăn nỗi tô mật ong, đành tặng luôn cho anh ta làm quà cho lũ con.

Vậy mà năm sau chúng lại đến, cũng ngay cái cành cây ấy, như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Cái tổ mới đầu bé tí, rồi cứ lớn dần từng ngày dưới cái nhìn săm soi, tò mò của cô chủ nhà. Tiếng vo ve của chúng khiến cô thấy vui vui. Và dù cành cây chúng chọn làm tổ ngay sát cửa phòng cô, vậy mà chẳng có "em" nào xâm phạm vào giang sơn cô như lúc đầu cô hơi e ngại. Chúng lịch sự như thế, hiền lành như thế, chăm chỉ, cần mẫn như thế, ai nỡ nào đi phá nhà của chúng, khiến chúng phải tan đàn xẻ nghé, cả bầy tan tác chỉ để có một ly mật vàng sóng sánh, thành quả cả tháng trời của cả một gia tộc ong!

Vậy là cô cứ để cho chúng tự do ở, tự do đi, kiên quyết từ chối những lời... đường mật của những kẻ chuyên đi săn mật! Cô nói với họ, nửa đùa nửa thật "Ai phá nhà mình mà mình lại đòi đi phá nhà tụi nó!"

Năm nay cũng vậy. Cái tổ lúc đầu tròn to như mặt trăng mười sáu, rồi nặng dần, trĩu dần xuống phía dưới vì no mật. Giờ thì chúng giống hình trái tim có cái đáy nhọn. Một trái tim đen thui lúc nhúc những chàng ong thợ ra vào, vờn quanh những nàng hoa rung rinh điệu đà khoe sắc trên cái balcon nhỏ.

Những lời đường mật lại rót vào tai cô "Sao cô giáo bệnh mà không chịu lấy mật để bồi dưỡng?" Cô chỉ cười và kiên quyết lắc đầu. Chúng đã trở thành bạn của cô rồi, những người bạn có cánh bé nhỏ, hiền hòa. Chúng làm cho cái balcon nhỏ nhà cô sinh động hẳn lên. Và có lẽ những bông hoa cũng đang cảm ơn những người bạn đã giúp chúng thụ phấn trong cái vòng đời ngắn ngủi nhưng tràn đầy hương sắc.

Mai này khi đã rời đi, liệu người chủ mới có rộng lòng chào đón chúng hay một lần nữa xác chúng lại tả tơi rơi rụng trước hiên nhà, cũng chỉ vì cái thành quả ngọt ngào của cả một bầy đàn đáng yêu như thế! Thiệt là thương cho bạn tui quá! hic...




25/6/14

152. Những ý nghĩ rời trong một cơn bạo bệnh


Cơn bệnh đến thật bất ngờ vì đã gần chục năm cô chưa hề bị những cơn bệnh vặt làm phiền. Có lẽ điều đó đã làm cô chủ quan vì hay tự khen ngầm rằng hệ miễn nhiễm của mình cực tốt!

Đùng một cái nằm liệt nhược trong khi ngày trước đó vẫn mạnh khù. Cô thấy lạ vì những triệu chứng khá dữ dội của nó, như nó đang đòi... truy lĩnh cho bao nhiêu năm không đá động gì tới cô.

Và cũng thật lạ khi đang ở trạng thái lơ mơ trong cơn sốt cao, tâm trí cô lại tỉnh táo quá mức để có thể suy tính rằng nếu nửa đêm bị đột quỵ thì sáng hôm sau sẽ thế nào. Nếu mình bị mắc một trong những chứng bệnh nan y nào đó thì nên xử trí làm sao để đừng là gánh nặng cho người thân. Nếu và nếu... Cô lại còn tự cười thầm mình sau tất cả những cái "nếu" ấy, hậu quả của cái tật mê đọc sách y học. Kiến thức thì không đủ để làm bác sĩ, dĩ nhiên, nhưng lại đủ cho cô nghi ngờ những toa thuốc của vài ông BS xã lẻ, để rồi quyết định phải đi vào BV Tỉnh cách đó gần hai giờ ngồi xe đò mệt ngất ngư, mất cả buổi sáng chạy lên chạy xuống hai, ba tầng lầu, làm một lô xét nghiệm cần thiết để truy tìm căn bệnh!

Bỏ qua cái chuyện dài dòng không hồi kết, nửa cười nửa mếu ở các BV, cô chỉ ngạc nhiên vì mình chẳng thấy hoảng sợ, hoang mang, cũng chẳng buồn tủi gì khi nằm li bì một mình, thấy đói thì lò dò ngồi dậy pha sữa uống. Cô lấy làm lạ vì mình chấp nhận điều đó rất tự nhiên, và nghĩ tới cái chết, sự cố xấu nhất, một cách bình tĩnh đến kinh ngạc.

Cô ý thức rõ rằng đó không phải là những ý nghĩ bi quan phát xuất từ căn bệnh, từ sự xuống sức của thể chất lẫn tinh thần. Chỉ là không muốn phản kháng, không muốn chống đối lại tử thần, nếu quả thật ông ta đang đứng bên chỗ cô nằm. Cô chỉ nghĩ rằng thế là quá đủ cho một cuộc đời, của riêng cô. Những hỉ, nộ, ái, ố... trong vài chục năm sống, như thế là đủ. Cô thấy mình nhẹ nhàng, thanh thản, không còn gì ở trần gian làm cô cảm thấy nuối tiếc, thấy oan uổng khi phải rời bỏ cuộc sống. Điều khiến cô tò mò lại là thế giới bên kia. Cô nghĩ rằng khi chết đi, cô sẽ giải mã được câu hỏi làm nhiều người thắc mắc, có linh hồn hay chỉ còn là một cái xác vô tri sau khi trút hơi thở cuối!?

Có lẽ đó là trạng thái mà các vị BS điều trị sợ nhất ở bệnh nhân, không còn ý chí sống! Riêng cô lại thấy tự bằng lòng với chính mình. Vì với cô, điều tệ hại nhất là đến phút cuối vẫn còn chới với chưa chịu buông tay, vẫn còn đau khổ vì bao vướng bận với người thân, vẫn còn nuối tiếc sao không được sống, dù chỉ một vài tháng, thậm chí vài ngày...

Vậy thì cái gì là tốt nhất, níu kéo cuộc sống từng giờ hay thản nhiên chấp nhận để được tái sinh hoặc chỉ còn là một nhúm bụi mờ cuốn theo chiều gió?!




10/6/14

151. Một góc thế giới qua mắt nhìn của ông Lý Quang Diệu

(Tiêu đề do giaolang đặt)

Hình ảnh: MỘT BÀI VIẾT CỦA LÝ QUANG DIỆU  VỀ HOA KỲ RẤT HAY

HOA KỲ: Nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số 1

     Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lý là điểm mấu chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác. Sự bất bình đẳng về ý chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ. Nhưng sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.

Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau: “Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược, việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã được triển khai tới Darwin, Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nhiều quốc gia Châu Á chào đón cam kết mới này từ người Mỹ. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh. Kích thước của Trung Quốc có nghĩa là cuối cùng chỉ có Hoa Kỳ – kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN – mới có thể đối trọng lại được nước này.

Tuy nhiên, chúng ta còn phải xem liệu người Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Hiện nay Hoa Kỳ có quân ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam. (Người Philippines đã không khôn ngoan khi mời người Mỹ rời khỏi vịnh Subic vào năm 1992. Họ quên mất hậu quả về lâu dài của hành động này và bây giờ họ bảo rằng “Hãy làm ơn quay lại.”) Người Mỹ tin rằng họ có sẵn một dàn xếp quân sự trong khu vực cho phép họ cân bằng lại được với hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, vì các vùng nước trong khu vực tương đối nông, người Mỹ có thể theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, kể cả tàu ngầm. Nhưng liệu lợi thế này có thể kéo dài được bao lâu? Một trăm năm? Không thể nào. Năm mươi năm? Không chắc. Hai mươi năm? Có thể. Rốt cuộc, cân bằng quyền lực có thể thực hiện được hay không còn phải chờ vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong một vài thập niên tới. Cần có một nền kinh tế vững mạnh thì mới có thể phô trương quyền lực – đầu tư xây dựng tàu chiến, tàu sân bay và các căn cứ quân sự.

Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides đã từng viết rằng “kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”. Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đều sẽ khiến các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc hoàn toàn thống trị. Cuối cùng, tôi không cho rằng viễn cảnh người Trung Quốc hất cẳng hoàn toàn người Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương có thể diễn ra.

Ví dụ như Việt Nam, là một trong những quốc gia không an tâm nhất về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ra lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Đặng phá hủy một vài làng mạc và thị trấn rồi sau đó rút lui, chỉ nhằm đưa ra một lời cảnh cáo với người Việt: “Tôi có thể tiến thẳng vào và tiếp quản Hà Nội.” Đây không phải là bài học mà người Việt có thể quên được. Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ.

Tôi cũng cảm thấy rất tiếc rằng sự thay đổi cân bằng quyền lực đang diễn ra vì tôi cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc hoà bình. Họ chưa bao giờ tỏ ra hung hãn và họ không có ý đồ chiếm lãnh thổ mới. Họ đưa quân đến Việt Nam không phải vì họ muốn chiếm Việt Nam. Họ đưa quân đến bán đảo Triều Tiên không phải vì họ muốn chiếm bắc hay nam Triều Tiên. Mục tiêu của các cuộc chiến tranh đó là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn ngăn chủ nghĩa cộng sản lan tràn trên thế giới. Nếu như người Mỹ không can thiệp và tham chiến ở Việt Nam lâu dài như họ đã làm, ý chí chống cộng ở các nước Đông Nam Á khác chắc đã giảm sút, và Đông Nam Á có thể đã sụp đổ như một ván cờ domino dưới làn sóng đỏ. Nixon đã giúp cho miền Nam Việt Nam có thời gian để xây dựng lực lượng và tự chiến đấu. Nam Việt Nam đã không thành công, nhưng khoảng thời gian gia tăng đó giúp Đông Nam Á phối hợp hành động với nhau và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của ASEAN.

Singapore khá thoải mái với sự hiện diện của người Mỹ. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ quyết đoán hay hung hăng như thế nào. Vào năm 2009 khi tôi nói chúng ta phải cân bằng lực lượng với Trung Quốc, họ dịch từ đó sang tiếng Trung thành “kìm hãm”. Điều này làm nổi lên một làn sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Trung Quốc. Họ cho rằng làm sao tôi lại dám nói như thế trong khi tôi là người Hoa. Họ quá là nhạy cảm. Thậm chí sau khi tôi giải thích rằng tôi không hề sử dụng từ “kìm hãm”, họ vẫn không hài lòng. Đấy là bề mặt của một thứ quyền lực thô và còn non trẻ.

Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Và mặc dù chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh bền chặt với Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á thì các quốc gia này càng thân Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore. Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.

Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn, Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn 20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại học.

Cuộc cạnh tranh cuối cùng

Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái, chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều này một lần nữa.

Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ thỉnh thoảng thể có sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn đầu.

Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP, nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất. Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ quên trên đỉnh cao.

Tại sao tôi lại tin vào thành công về dài hạn của Hoa Kỳ?

Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.

Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.

Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.

Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.

Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.

Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York. Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.

Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.

Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York, bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.

Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn

Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

HOA KỲ: Nhiều trở ngại nhưng vẫn giữ vị trí số 1

Cân bằng quyền lực đang chuyển đổi. Về phía châu Á của Thái Bình Dương, theo thời gian Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gây ảnh hưởng. Mọi chuyện sẽ không còn như trước. Địa lý là điểm mấu chốt trong trường hợp này. Trung Quốc có lợi thế hơn vì nằm trong khu vực và có khả năng phô trương sức mạnh dễ dàng hơn ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng từ cách xa 8.000 dặm là một điều hoàn toàn khác. Sự bất bình đẳng về ý chí, hậu cần và chi phí là rất đáng kể. Chỉ riêng dân số của Trung Quốc, 1,3 tỉ người, so với 314 triệu người Mỹ, cũng góp phần vào khó khăn của Hoa Kỳ. Nhưng sự chuyển giao quyền lực sẽ không xảy ra một sớm một chiều do ưu thế vượt bậc của Hoa Kỳ về công nghệ. Người Trung Quốc dù có thể chế tạo tàu sân bay nhưng vẫn không thể đuổi kịp người Mỹ một cách nhanh chóng về công nghệ tàu sân bay với sức chứa 5.000 quân và đầu máy hạt nhân. Nhưng cuối cùng, những bất lợi của Hoa Kỳ do khoảng cách địa lý dần sẽ mang tính quyết định. Hoa Kỳ sẽ phải điều chỉnh thế đứng của mình và chính sách của họ trong khu vực này.

Chính quyền Obama tuyên bố vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ dự định tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một trọng tâm mới. Họ gọi đây là Sự Xoay Trục về Châu Á. Trên tờ Foreign Policy, ngoại trưởng Hillary Clinton giải thích tư duy đằng sau chính sách mới này như sau: “Các thị trường mở ở châu Á là những cơ hội chưa từng thấy đối với Hoa Kỳ về đầu tư, thương mại và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến… Về mặt chiến lược, việc gìn giữ hoà bình và an ninh ở khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên thiết yếu đối với sự tiến bộ trên toàn cầu, dù là thông qua bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Bắc Triều Tiên hay đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động quân sự của các nước lớn trong khu vực.” Vào tháng 4 năm 2012, 200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên đã được triển khai tới Darwin, Úc trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Nhiều quốc gia Châu Á chào đón cam kết mới này từ người Mỹ. Trong nhiều năm, sự hiện diện của Hoa Kỳ là một nhân tố quan trọng giúp ổn định khu vực. Kéo dài sự hiện diện này sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh. Kích thước của Trung Quốc có nghĩa là cuối cùng chỉ có Hoa Kỳ – kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời hợp tác với các quốc gia ASEAN – mới có thể đối trọng lại được nước này.

Tuy nhiên, chúng ta còn phải xem liệu người Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác. Hiện nay Hoa Kỳ có quân ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam. (Người Philippines đã không khôn ngoan khi mời người Mỹ rời khỏi vịnh Subic vào năm 1992. Họ quên mất hậu quả về lâu dài của hành động này và bây giờ họ bảo rằng “Hãy làm ơn quay lại.”) Người Mỹ tin rằng họ có sẵn một dàn xếp quân sự trong khu vực cho phép họ cân bằng lại được với hải quân Trung Quốc. Hơn nữa, vì các vùng nước trong khu vực tương đối nông, người Mỹ có thể theo dõi hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, kể cả tàu ngầm. Nhưng liệu lợi thế này có thể kéo dài được bao lâu? Một trăm năm? Không thể nào. Năm mươi năm? Không chắc. Hai mươi năm? Có thể. Rốt cuộc, cân bằng quyền lực có thể thực hiện được hay không còn phải chờ vào nền kinh tế Hoa Kỳ trong một vài thập niên tới. Cần có một nền kinh tế vững mạnh thì mới có thể phô trương quyền lực – đầu tư xây dựng tàu chiến, tàu sân bay và các căn cứ quân sự.

Khi cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ trên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra, những quốc gia nhỏ hơn ở châu Á bắt buộc phải thích ứng với cục diện mới. Thucydides đã từng viết rằng “kẻ mạnh làm những gì mà họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng”. Các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á có thể không phải có một kết cục bi thảm như thế, nhưng bất cứ góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nào về sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đều sẽ khiến các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình. Người ta sẽ phải quan tâm hơn đến những gì người Trung Quốc thích hoặc không thích khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhưng điều quan trọng không kém là không để cho Trung Quốc hoàn toàn thống trị. Cuối cùng, tôi không cho rằng viễn cảnh người Trung Quốc hất cẳng hoàn toàn người Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương có thể diễn ra.

Ví dụ như Việt Nam, là một trong những quốc gia không an tâm nhất về sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình ra lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam vào năm 1979 để trả đũa việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Đặng phá hủy một vài làng mạc và thị trấn rồi sau đó rút lui, chỉ nhằm đưa ra một lời cảnh cáo với người Việt: “Tôi có thể tiến thẳng vào và tiếp quản Hà Nội.” Đây không phải là bài học mà người Việt có thể quên được. Một chiến lược có lẽ đã được chính phủ Việt Nam bàn đến là làm thế nào để có thể bắt đầu thiết lập các mối quan hệ an ninh lâu dài với người Mỹ.

... Singapore khá thoải mái với sự hiện diện của người Mỹ. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ quyết đoán hay hung hăng như thế nào. Vào năm 2009 khi tôi nói chúng ta phải cân bằng lực lượng với Trung Quốc, họ dịch từ đó sang tiếng Trung thành “kìm hãm”. Điều này làm nổi lên một làn sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Trung Quốc. Họ cho rằng làm sao tôi lại dám nói như thế trong khi tôi là người Hoa. Họ quá là nhạy cảm. Thậm chí sau khi tôi giải thích rằng tôi không hề sử dụng từ “kìm hãm”, họ vẫn không hài lòng. Đấy là bề mặt của một thứ quyền lực thô và còn non trẻ.

Trong cục diện đang thay đổi này, chiến lược chung của Singapore là đảm bảo rằng mặc dù chúng ta lợi dụng bộ máy tăng trưởng thần kì của Trung Quốc, chúng ta sẽ không cắt đứt với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Singapore vẫn quan trọng với người Mỹ. Singapore nằm ở vị trí chiến lược ở trung tâm của một khu vực quần đảo, nơi mà người Mỹ không thể bỏ qua nếu muốn duy trì ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương. Và mặc dù chúng ta xúc tiến các mối quan hệ với người Trung Quốc, họ cũng không thể cản chúng ta có các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh bền chặt với Hoa Kỳ. Người Trung Quốc biết rằng họ càng gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á thì các quốc gia này càng thân Mỹ hơn. Nếu người Trung Quốc muốn đưa tàu chiến đến viếng thăm cảng của Singapore khi có nhu cầu, như là người Mỹ đang làm, chúng ta sẽ chào đón họ. Nhưng chúng ta sẽ không ngả về phía nào bằng cách chỉ cho phép một bên và cấm đoán bên kia. Đây là một lập trường mà chúng ta có thể tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn. Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore. Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.

Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn, Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn 20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại học.

Cuộc cạnh tranh cuối cùng

Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái, chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều này một lần nữa.

Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ thỉnh thoảng có thể sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn đầu.

Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP, nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất. Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ quên trên đỉnh cao.

Tại sao tôi lại tin vào thành công về dài hạn của Hoa Kỳ?

Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.

Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.

Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.

Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.

Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.

Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York. Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.

Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ.

Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York, bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.

Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn

Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh
Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp