tĩnh lặng

tĩnh lặng

29/7/16

Bình yên tiếng gà


Những sáng, những trưa, cô lại được nghe tiếng gà xao xác ở cái nhà giáp ranh sân sau.

Tiếng chú gà trống chững chạc gáy vang lúc sáng sớm thay cho chuông báo thức. Còn lơ mơ mắt nhắm mắt mở, cô tưởng như mình đang ở trong sân nhà nội lúc nhỏ, với một bầy gà lúc nào cũng quẩn chân đòi ăn khi có người bước ra vườn dừa. Cô nghe lại tiếng tróc lưỡi gọi bầy gà của ông khi chúng mãi mê đào bới mấy con trùn dưới gốc dừa. Nghe thấy cả bầy nháo nhác tranh ăn với đủ mọi âm thanh phát ra từ cái cổ họng nhỏ xíu của chúng. Có lần cô cháu nhỏ hỏi nội: Sao cái cổ nó nhỏ mà nó kêu to dữ vậy nội? Ông nội ngẩn ra nhìn cháu, rồi giải thích: Chắc tại trong cổ nó có một cái kèn nhỏ đó cháu.(?). Vậy là nhỏ cháu cứ đinh ninh trong cổ gà có cái kèn mãi sau này, khi thấy ba mổ gà mới biết... :)

Rồi tiếng gà nhảy ổ cục tác vang rân. Không hiểu sao gà mái đẻ trứng cục tác đã đành, cái anh chàng gà trống lại cục tác theo là sao ta? Lũ gà con cũng liếp nhiếp suốt ngày, như con nít làm nũng với mẹ...

Cứ thế, sáng trưa chiều của cô là âm thanh của lũ gà vây quanh, không có tiếng người, chỉ trừ khi cô vào trong phố chợ.

Và quanh cô là bình yên, gần như tuyệt đối!



15/7/16

322. Tiếng đêm


Nửa đêm, tưởng chừng như chỉ có tĩnh lặng và bóng tối chiếm lĩnh. Nhưng không, chú tắc kè trên cây hoa sữa sân sau bắt đầu lên tiếng. Chú nhả từng tiếng dõng dạc, rõ ràng, vang vọng, như biết rằng giờ này, chỉ còn có ta cùng đát trời mênh mang...

Sân trước, tiếng chú chó hoang cựa mình rên khẽ. Cô đã xếp gọn cái áo cũ lót cho chú ta một chỗ nằm tương đối ấm áp, tránh gió, tránh mưa. Mỗi sáng sớm, cửa trước mở, chú chó ốm giơ xương vừa thấy cô đã sợ sệt loạng choạng chui rào đi mất.

"Sóng âm thầm không nói..." Lời của một bài hát cô vẫn thường lẩm nhẩm một mình. Nhưng mỗi đêm, tiếng sóng rì rầm kể với cô về đại dương muôn trùng sóng vỗ, về những vùng đất trong mơ cô chưa từng đặt chân tới, về một cuộc sống khác, cuộc sống trong lòng biển với những sinh vật và cảnh sắc muôn hình vạn trạng. Và tiếng sóng cũng nói với cô về nỗi đau của cái chết biển, nỗi đau có tên tuổi mà ai cũng biết là ai đấy!!!

Lại một lượt lá rụng sau cơn gió xoáy. Lá cũng biết nói lời của mình, dù rất khẽ khàng, như tiếng thở dài của đêm...

Có bao nhiêu âm thanh trong đêm, cô không đếm hết. Chỉ biết rằng cô không chỉ một mình. Phải, một mình cùng với tiếng đêm...


5/7/16

321. Chiến đấu với rác


Sáng nay, CN - 3/7/2016, các Tình nguyện viên lại cùng nhau ra biển lúc sáng sớm, tiếp tục dọn rác, cả rác lưu cửu lẫn rác mới.

Mọi người cắm cúi làm, vẫn có mặt hai nhân vật đặc biệt, cu Trung và Hai Lúa. Tuy mệt nhưng thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười đùa của vài em trong nhóm.
Đến 7g, mồ hôi đã thấm ướt áo, nhưng mọi người nhìn suốt gần một cây số bờ biển vừa dọn sạch, cũng thấy một chút ấm lòng! 

Không biết những người đi tắm biển và dạo bộ đang nghĩ gì. Ước chi mỗi người họ chỉ cần cúi xuống lượm 1 cọng rác thôi, là biển đã sạch thêm biết bao! 

Thôi thì chờ thời gian tạo nên thói quen bảo vệ môi trường biển của người dân. Có thể 1, 2 năm, cũng có thể chục năm sau nữa...









1/7/16

320. Mùa cá


Vùng biển quê tôi nổi tiếng có mùa cá nam từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, rộ nhất từ tháng 6 trở đi. Cá vào mùa bày la liệt giữa chợ, rất rẻ, con nào con nấy tròn lẳn, múp míp, da bóng mượt, mắt trong veo... Dân nghèo chỉ tốn rất ít tiền cho một bữa ăn giàu chất đạm.

Người dân quê tôi ăn cá hết... 29 ngày trong tháng. Hết mùa nam, bắt đầu hiếm cá, có người thà ăn cá khô chớ không chịu ăn thịt. Vậy mà mùa cá năm nay, chỉ còn những rổ cá lèo tèo, có bữa chỉ là cá tạp,, tìm đỏ mắt cũng không có một con nục hoặc bạc má, hai thứ cá mọi năm đầy dẫy trong mùa cá nam.

Bạn tôi nhìn mông lung ra biển xa rồi buồn rầu than "Ngoài kia còn cá đâu mà theo luồng vào tận đây. Năm nay coi như không còn mùa cá nữa rồi!"

Cái ác tưởng như ở xa đây lắm, tưởng như cái vịnh biển nhỏ này luôn bình yên, ngay cả ông trời cũng không nỡ giáng xuống bão giông, vậy mà bão tố lại đến từ phía khác...

Bây giờ thì những lời xin lỗi còn có tác dụng gì. Và những lời công bố muộn màng cũng chẳng góp phần làm đầy thêm bữa ăn của những đứa trẻ nghèo. Dân biển quê tôi vẫn phải cố chắt chiu những mẻ lưới eo sèo để nuôi sống gia đình. Chúng tôi vẫn bất chấp những cảnh báo, mỗi ngày vẫn ăn cá, vì thói quen, vì không muốn cá đánh lên không có ai mua...
Bạn tôi nửa đùa nửa thật " Thà chết vì ăn cá còn hơn... chết đói!"

Chúng tôi muốn gởi cho những người có trách nhiệm chỉ một câu hỏi của dân biển quê tôi "Chừng nào mùa cá nam trở lại?!"




26/6/16

319. Rác


Sáng sớm ra biển dọn rác với nhóm bạn trẻ. Bất ngờ khi thấy trong nhóm có một boy trẻ nhứt, cu Trung, học lớp 2, 7 tuổi. Phải chi có mang điện thoại thì ảnh cu Trung sẽ được lên... trang nhứt. Đáng tuyên dương lắm chớ bộ! :)

Nhận bao tay, bao chứa rác rồi cứ kéo dọc theo mấy đám rác được mấy em nam cào gom lại, lượm bỏ vào bao. Khi nào gần đầy bao kéo đổ vào hố chờ đốt. Thấy nhẹ nhàng vậy chớ cũng khá mệt, vì rác ướt, phải giũ cho đất rơi ra để khi đốt rác dễ cháy hơn. Với tấm thân liễu yếu thì một bao rác ướt kéo lê khoảng mươi thước đã... le lưỡi rùi! hic...

Còn một nhân vật đặc biệt nữa. Đó là một anh chàng thấp đậm, mang đủ vẻ ngoài của một lao động biển chính hiệu, nhưng thật ra là một thợ sửa xe có tiếng. Hỏi ra thì phong trào làm sạch biển do mấy em thanh niên nhóm lên cách đây 2 tháng. Nhưng chính cái anh chàng nhà quê sửa xe biệt danh Hai Lúa, tên giấy tờ là Lê Đức Hoàng mới là người đã nhen nhóm ngọn lửa nhỏ cách đây đến... 3 năm. Ai cũng thấy mắc cỡ với người xứ xa đến thăm biển PR vì nó quá dơ, nhưng không ai đủ can đảm làm người tiên phong đứng ra hô hào dọn rác. Cái anh chàng chân chất, nhà quê từ trong ruột cũng thấy mắc cỡ, và anh đã tự xắn tay vào làm, chỉ cùi cụi một mình, không kêu réo ai cả.

Những người đi biển đã quen với hình ảnh anh chàng vai mang cuốc cào, lỉnh kỉnh thêm mấy cái vỏ ruột xe phế liệu. Anh hùng hục đào mấy cái hố to, gom rác vào rồi lui cui chất mấy cái vỏ ruột xe đốt rác. Cho đến gần trưa, mồ hôi mồ kê đầy mình, anh lao xuống biển, tắm một phát cho sạch mùi rác thải rồi lửng thửng lên xe trở về, không thèm nhìn ai, cũng không thèm nói với ai lời nào. Vậy đó, mọi người quen thấy anh dọn rác mấy năm trời, cũng chẳng ai biết tên họ anh, chẳng ai thèm hỏi han, cũng chẳng ai thấy phải mắc nợ anh chút công sức làm biển sạch cho họ đi hưởng cái thú trời cho, họ còn gọi anh là... thằng hâm!

Kết quả một buổi đi vận động các hội đoàn là... bằng không! Không một ai hưởng ứng, họ có đủ thứ lý do này nọ để từ chối. Nhưng người xả rác thì chỉ là tiện tay, không lý do gì cả!

Sáng nay, nhìn biển cả mênh mông sóng nước, nhìn lên bờ cũng mênh mông là rác, trải dài mút mắt, bỗng hoang mang sợ hãi. Sợ rằng các em về lâu về dài sẽ thấy công mình là... công cốc! Sợ rằng cái thờ ơ của mọi người sẽ dập tắt những đốm lửa nhỏ nhiệt tình của các em. Sợ cái mênh mông của đất trời và đống rác không bao giờ vơi kia sẽ chôn vùi những lý tưởng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Sợ nhóm người lặng lẽ gom rác sẽ không còn mấy nỗi và đến một lúc nào đó rác lại lên ngôi, tung hoành đắc thắng...

Ôi, biển thì khôn cùng mà rác thì vô tận!!!



24/6/16

318. Đam mê


Có những đam mê tốt nhưng vì lý do này khác không thực hiện được, thiệt là ấm ức!

Cô thích âm nhạc từ nhỏ, có lẽ do cái gen của gia đình. Dù bị má cấm rất dữ, có lúc bị đòn, có lúc bị đập nát cây đàn mới mượn vì sợ mê quá lơ là việc học, cô vẫn lén tự học đàn qua mấy cuốn sách hướng dẫn cơ bản. Rồi cũng biết mỗi thứ một ít, mandolin, guitare, organ, nhưng không giỏi cái nào cả! Nhưng ít ra cô cũng đã chạm tay vào và thỏa phần nào đam mê.

Cái đam mê cho tới giờ này vẫn khiến cô ấm ức là mê vẽ. Đã mon men tới lớp vẽ của một ông thầy dạy Đại Học Mỹ Thuật, nhưng chỉ được hai tháng thầy bị tai nạn mất và lớp học vẽ tan...

Bao nhiêu năm lo chuyện cơm áo gạo tiền, những tưởng đam mê ấy đã lụi tàn theo thời gian. Giờ rảnh rỗi, cô lại thấy nhớ bảng màu, giấy, bút chì... Lại ngơ ngẩn trước những bức tranh đẹp...

Bạn bảo thì vẽ đi, ai cấm... hic... đâu có dễ! Biết bao danh tài đã phải chết đi trong khốn khó, không kịp thấy được thành quả của công sức mình bỏ ra. Còn cô thì coi chừng sẽ chết đi mà vẫn chưa thỏa được cái đam mê vẽ vời!

Nhưng để coi, chỉ với cây bút chì mềm hoặc một hộp màu nước hoặc bột màu, xấp giấy, có thể cô sẽ tha hồ nguệch ngoạc, tha hồ bôi phết theo cái ý thích hơi tàng tàng của mình. Bác Trịnh cũng từng bảo khi nào không thể nói được bằng nhạc thì phải nói bằng tranh.

Nói bằng tranh có lẽ sẽ đỡ... ấm ức hơn chăng!? 




22/6/16

317. Mạn 2


1/ Về quê, về với bình yên. Ngủ một giấc thật say trong tiếng sóng nhè nhẹ ru êm. Em phượng trước nhà quả thật vẫn còn e ấp lắm, dù coi như đã bước qua tuổi trung niên. Vẫn chỉ có hai chùm hoa làm duyên khiến ai cũng tưởng em này còn non tơ... Cây mà cũng biết phỉnh phờ...

Bạn thân và không thân họp mặt với một chút bia bọt cho thêm phần rôm rả. Vậy mà cũng lai rai từ sáng đến chiều, tám đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Có gì đặc biệt đâu sao lòng thấy reo vui như trẻ nít được quà. Hay chỉ vì ta với bạn cùng ngồi dưới tán phượng già, trước mặt là biển xanh xa xa cùng hàng dương, đồi cát. Hay chỉ vì gió xứ này mang quá nhiều vị mặn, nhưng cái vị ngọt hậu thì chỉ có một ít người nếm được, mà đã lỡ nếm rồi thì đâm ra... ghiền! :)

2/ Đang ngồi viết ở Phan Rang, cái xứ nắng thì như muốn rang người ta vàng cháy mới thôi, còn đã mưa thì mưa như trút... Cái cực đoan của trời đất rất có thể đã tạo nên tính cách độc đáo của người xứ Phan. Đã thương thì thương cho cạn ráo, đã chơi thì chơi hết mình, không có cái nửa vời, giữ kẻ.
Từ lúc nào Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết kết hợp thành Tam Phan. Như những người anh em họ trong cùng gia đình xứ Phan, được ngọn gió biển và sóng nước ấp ôm, ve vuốt, để làn da bớt giòn đen dưới cái nắng nung người.Tam Phan với những tháp Chăm huyền bí, u uẩn trong bóng chiều tịch mịch dễ khiến lữ khách vương một chút bâng khuâng hoài niệm cố nhân...

3/ Có thể tiến thêm ra hướng bắc để kéo dài cuộc lữ hành hiếm hoi trong đời thì chưa biết, nhưng ai mà biết được có thể sẽ một lần ta được dừng chân ở một phố biển khác, một ước mơ thật nhỏ nhoi khiêm tốn nhưng không dễ thực hiện với riêng mình. Có thể ta sẽ ghi thêm một vài khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, cũng có thể không gì cả. Cái chưa biết bao giờ cũng cho ta sự tò mò, háo hức... bất kể sau đó có được chút gì lấp lánh như ta mường tượng hay không.





5/3/16

316. Ấm áp chợ đời


Hôm qua là lần đi chợ đầu tiên từ khi trở về quê cũ. Chợ có chút đổi khác, một số hàng quen phải đi tìm mới ra.

Phải trả lời hàng chục lần những câu hỏi giống nhau, ủa, cô giáo về hồi nào, giờ ở đâu. Những ánh mắt mừng rỡ vì bất ngờ gặp lại, cô bé hàng rau bối rối chùi tay vào miếng giẻ lau rồi cầm tay cô giáo lắc liên hồi, miệng hỏi tía lia, cứ đòi nhét thêm vào bọc rau cho cô dù cô đã nói nhiều quá ăn không hết. Lại một bọc xoài quê cuống còn rỉ nhựa của đứa học trò cũ nói cô mà không nhận là em hỏng thèm tới thăm cô luôn... Và luôn kèm thêm câu hỏi, chừng nào cô mở lớp...

Đôi lúc lẩn thẩn tự hỏi sao cô lại thường tìm thấy những tấm chân tình giữa chợ, giữa cái nơi chốn được cho là xô bồ, hỗn độn, nơi mọi thứ lẽ ra đều được mua bán, chi trả sòng phẳng. Vậy mà ngược lại... Có lúc cô nhận ra lòng người sao mà lạnh lẽo ở cái nơi lẽ ra phải chan chứa nghĩa tình.

Một chút ấm áp giữa chợ đời khiến cô thấy ngày hôm đó dường như trời xanh hơn, mây trắng hơn và tiếng sóng cũng du dương hơn...




24/2/16

315. Trở về


Lại một phen đùm túm khăn gói dọn nhà! Nói văn vẻ một chút là trở về cố quận. Dự định trong năm cũ, năm mới thực hiện. Được cái nhà đẹp, người đẹp (?!) nhưng không biết có sống đẹp được không?

Cứ hy vọng và mơ ước... Tiêu chí của ta, cái gì hỏng tốn tiền thì tha hồ sử dụng.

Goodbye PT! Một chút ngậm ngùi, dù biết sẽ còn trở lại viếng thăm. "Khi ta đi đất sẽ hóa linh hồn." Nếu nơi nào chia tay ta cũng gởi lại một phần hồn, cũng vướng víu một chút tâm tư thì có khi nào ta sẽ phải ngày một hao mòn dần đi?

Qua một năm,  ta tưởng như mình già đi cả ngàn tuổi! Dửng dưng với niềm vui, với cả những chuyện phiền lòng, chỉ có nỗi sầu muộn thường trực, nhẹ nhàng nhưng day dứt không thôi...

Không còn niềm vui với Net, với FB, với blog. Vào SG cũng không muốn gặp bạn bè cũ trên mạng . Nhưng may là ta không mang vẻ ủ rũ của người chán sống. Vẫn ăn ngon, ngủ yên, bình thường trong mọi mối quan hệ. Chỉ có tận trong sâu thẳm ta biết rõ một điều gì đó đã mất đi, không tìm lại được.

Chỉ vậy thôi!




5/1/16

314. Độc thoại 1


Những dòng này không phải là thơ đâu em
chỉ là lời lẩm bẩm một mình của người già cô độc
đã thấy chồn chân trên quãng đường xa...

Không phải là thơ đâu
chỉ là lời thầm thì
khi giật mình thức giấc nửa đêm
nghe âm vang quá khứ vọng về...

Đừng tưởng là thơ nghe em
vì không phải những lời trau chuốt
cũng chẳng có vần có điệu
đọc lên ngàn lần chẳng thấy êm tai...

Là lời độc thoại
một mình
thế thôi!