tĩnh lặng

tĩnh lặng

31/10/14

176. Không đề




Ai đi tìm nhặt cơn mơ

Cho tui theo với ầu ơ phận mình

Buồn vui cũng một chữ tình

Trăm năm đành lỗi hẹn mình với ta...





29/10/14

175. Cỏ lông chông


Hồi nhỏ ra biển chơi rất thích chạy theo mớ có lông chông. Chúng có bao nhiêu là chân nhọn hoắt. Và gió biển mát rượi cứ xui chúng chạy mãi miết, không ngừng nghỉ...

Có cái bị vướng mấy cái chân gai vào thảm hoa muống biển tím biếc, dùng dằng mãi không dứt ra được, như mềm lòng bởi cái màu tím ngát... Cô bé chạy theo thấy tội, ngồi gỡ giùm cho nó, loay hoay sao đó còn bị nó đâm cho một nhát vào tay, hic...

Có những cuộc đời như cỏ lông chông, vô định, không chốn dừng chân, cũng không biết mình chạy đi đâu, cứ theo chiều gió thổi mà bay hoài, bay mãi...

Đâu cũng là nhà. Nghe thì hay lắm, nhưng đâu cũng không là nhà! Nhà phải có hơi ấm của tình thân. Nhà mà lạnh lẽo quá, thì ngẫm ra làm đời có lông chông thú vị hơn!

Đợi khi bìển lặng, gió êm, có lông chông sẽ dừng lại, ngẫm nghĩ phận mình, hoặc tiếp tục nẻo đời, hoặc rụng dần mấy cái chân gai khô khốc, rồi nằm yên đâu đó, tàn rụi theo nắng gió biển khơi...

Cái giá phải trả cho một đời phiêu lãng, cũng không rẻ chút nào!!!




25/10/14

174. Lá thư đầu tiên


Lần ra đi này cô không đem theo cái hộp giấy đựng thư từ và các thứ nhỏ nhỏ khác. Dù mỗi thứ là một kỷ niệm, nhưng cô sẽ xếp hết các thứ vào một ngăn trong ký ức. Cất ở chỗ đó là chắc ăn hơn cả, chỉ trừ khi nào cái bệnh lẫn lộn của người già bắt đầu hỏi thăm thì đành vậy, quy luật mà!

Cô sẽ phải gởi lại thôi, kể cả lá thư đầu tiên cô nhận từ một anh chàng bạn học năm lớp 9. Cứ nhớ lại là cô không tài nào nhịn cười được. Hèn chi anh chàng cứ lớn vởn chung quanh đám bạn nữ lúc tan học. Té ra anh chờ lúc cô chỉ có một mình để đưa thư cho đỡ mắc cỡ! hehe... 

Nhưng ác cái đi đâu tụi con gái cũng túm tụm với nhau, làm anh cứ thậm thụt mấy ngày liền, nhìn cái mặt khổ sở thấy mà tội! Rồi cũng có lúc cô chạy ngược về lớp vì để quên... cặp kính cận, hic... Hồi đó đeo kính cận mắc cỡ lắm, vào lớp học mới chịu đeo lên, hết giờ học lại gỡ xuống. Cứ vậy thỉnh thoảng cô bỏ quên kính trong hộc bàn. Có khi đạp xe về nửa đường rồi lại phải ù té chạy ngược trở lại trường...

Anh chàng quay xe theo lúc nào cô chẳng rõ. Chỉ khi vào lớp lui cui lục hộc bàn, ngước lên, cô hết hồn thấy chàng đứng ngay trước mặt, đỏ đến mang tai, lắp bắp cái gì không rõ rồi nhét vội vào tay cô cái thư, xong quay lưng đi như chạy! hic...

Về nhà đến tối học bài xong mới lén giở ra coi. Chàng viết thì ít mà trích thơ của mấy ông thi sĩ hết hai phần. Đọc một hồi giống như được cả chục ông thi sĩ nổi danh tỏ tình cùng một lúc! hehe...

Hôm sau đi học, tuy cũng bối rối nhưng cô ráng làm ra vẻ tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra, dù cái đuôi mắt cũng chớp được cái vẻ mặt lấm lét khổ sở của chàng!

Cô không trả lời lá thư đầu tiên nhận được. Sau năm học đó, lớp cô gần như tan tác. Người vào PT, kẻ ra NT, có bạn lên ĐL, vào SG... Cũng có bạn nghỉ học ở nhà vì gia cảnh khó khăn...

Bẵng đi rất lâu, khi đã là cô giáo trường làng, cô mới biết tin tác giả lá thư đó không còn nữa. Anh đã mất vì viên đạn đi lạc hướng của một người say. Một cái chết ngẫu nhiên và thật vô lý!

Cô giữ mãi lá thư đến giờ, như sự chuộc lỗi với anh, cho việc mình đã vô tình. Cái vô tình thời con nít, biết đâu cũng đã gây tổn thương cho một người. Mong sao anh chỉ coi đó như kỷ niệm cho một tình cảm thoáng qua thuở học trò, đừng như vết hằn sâu của lòng tự trọng bị tổn thương.

Cô chỉ tiếc phải chi được gặp lại anh khi đã là người lớn, cô sẽ có câu trả lời dễ chấp nhận hơn, để anh thấy rằng cô vẫn trân trọng tình cảm đó, vẫn luôn nhớ cái vẻ lúng túng dễ thương của anh bạn và thú nhận với anh rằng cô cũng đã cảm động với những câu thơ non dại tuổi học trò...

Giờ đành xếp nó vào ký ức để mang theo cho nhẹ hành trang. Nhưng kỷ niệm nhiều lúc lại làm lòng ta nặng trĩu!!!


23/10/14

173. Từ bỏ


Cô đang loay hoay tinh giản mọi thứ đồ dùng hiện có trước khi thực hiện cuộc sống du mục. Phải làm sao để xếp cho thiệt gọn tất tần tật vào một chiếc va li. Cả quần áo, laptop và... đồ nhà bếp!

Bạn nói làm du mục không hẳn là từ bỏ thứ gì. Nhưng với cô thì thật sự cô phải từ bỏ... hơi bị nhiều! Trước tiên là hai thứ cồng kềnh nhất nhưng cũng thiệt là cần thiết, đó là tủ lạnh và máy giặt. Không có hai thứ thiết yếu đó, cô thấy như mình bị... chặt mất một cánh tay! hic...

Rồi đến cái TV và máy đĩa. Những bộ phim yêu thích không phải lúc nào cũng tìm được trên mạng. Vả lại ngồi coi trên laptop không sướng bằng vừa lắc võng vừa coi phim. Còn cái máy đĩa đã theo cô từ những ngày học tiếng Anh ở SG. Tối nào cô cũng lắp một đĩa rồi thiu thiu ngủ, đến nửa đêm thức giấc, cô mới tắt máy. Thân thiết như vậy, giờ đây cô cũng đành bỏ lại vì sức chứa của va li không cho phép, vì nó không thuộc danh mục đồ thiết yếu, lại không gọn nhẹ chút nào!

Vật thân thiết kế tiếp là cái võng. Chắc chắn không thể vác nó trên lưng mang theo rồi. Đành vĩnh biệt em thôi! hic... Vĩnh biệt luôn cái thú nằm lắc lư đọc sách, coi phim rồi ngủ hồi nào không hay. Nó là vật hổ trợ tuyệt vời cho giấc ngủ. Có lẽ rồi đây cô sẽ thường xuyên mất ngủ vì thiếu nó! hic...

Rồi một lô đồ vật nhà bếp, cũng quen thân không kém, từ bộ dao nhỏ lớn đủ loại, bộ hộp nhựa xinh xắn nước ngoài cô đã mua được mấy năm trước cho đến soong nồi, chai lọ nhỏ xíu dễ thương đựng các thứ... Cô sẽ phải bỏ lại hầu như gần hết, ngoại trừ vài món thật sự cần dùng, không có không được.

Kể cả mấy cái gối, gối dài, gối ngắn gì cũng hỏng có nhét được vào va li, bỏ lại thôi! huhu...

Bỏ lại cả những người bạn đã quen và mới quen. Những tình cảm vừa được vun xới, rồi đây cũng không tránh khỏi cái điều thông thường ông bà ta đã đúc kết, xa mặt, cách lòng!

Đành vậy thôi! Sống lúc nào cũng phải chọn lựa, lúc nào cuộc sống cũng bắt ta phải quyết định, đôi khi là những quyết định khó khăn, đầy nuối tiếc. Cái gì cũng phải bỏ lên bàn cân, và không phải lúc nào ta cũng san sẻ được cho cân bằng cả hai bên, để có thể ôm được vào lòng tất cả những gì ta muốn có!

Đành vậy!!!



15/10/14

172. Du mục


Từ nhỏ coi phim, đọc sách có nói tới dân bohemian, cô rất thích cách sống của họ. Họ sống nay đây mai đó, bốn biển là nhà, dong ruỗi trên đường không mệt mỏi. Những con người nét mặt phong trần, bụi bặm, phụ nữ ăn mặc sặc sỡ và ưa coi bói cho người khác. Dường như họ sống bất cần những quy ước của xã hội văn minh, bị người đời coi thường nhưng họ đã thực sự tận hưởng cuộc sống, sống hết mình cho những ngày vui bất tận, với những giai điệu rộn ràng, sôi động hoặc sâu lắng trong những đêm hạ trại trên dặm đường thiên lý...

Những mơ mộng thời trẻ với chân trời mới mẻ, tự do, phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, sống như dân du mục chỉ với chiếc xe ngựa, đi khắp chân trời góc bể, có lẽ không thể thành hiện thực. Nhưng cô cũng đã tới gần hơn một chút, với cái kiểu sống không nhà cửa cố định, thích ở đâu thì xách gói ra đi. Chỉ khác với người bohemian, thay cho mái lều là phòng trọ...

Thật nhẹ nhàng, thanh thản khi đã vứt bỏ những vướng víu đời thường. Chỉ cần túi quần áo, cái laptop là xong, có thể chu du từ bắc chí nam. Có thể chỗ này ở vài tháng, chỗ kia một năm... cho đến khi cánh chim đã mỏi, sẽ tìm về một nơi chốn định trước, hiến tặng thân xác cho ngành y.

Vậy cũng hết một kiếp người! Dẫu là vua chúa hay dân du mục, dẫu vùi xác bên đường hay được xây lăng mộ, ngày phán xử cuối cùng cũng như nhau thôi mà!



9/10/14

171. Tiếng rao


Cứ tầm hơn 4 giờ sáng là cô nghe tiếng rao của bà cụ bán xôi bắp đi ngang trước cửa. Thường thì cô đã dậy rồi, nhưng có khi còn nằm nướng, có khi đang ngồi gõ lóc cóc trên máy. Như một thói quen, đang gõ máy cô cũng dừng lại, lắng nghe cho đến khi tiếng rao nhỏ dần rồi mất hút trong tiếng vọng của mấy chiếc xe ngoài đầu đường lớn.

Giờ đó cô chưa mở cửa vì ngại gió lạnh và vì trời còn tối mờ, đường nhỏ còn vắng tanh, chưa có tiếng người đi. Vậy nên cô chưa tạn mặt người bán xôi. Cô chỉ đoán là một bà cụ lưng hơi còng, vì tiếng chân rất chậm. Giọng rao khàn đục của người nhiều tuổi, có hôm bà vừa rao, vừa ho. Có lẽ bà rao do thói quen, vì giấc đó có ai mở cửa mua xôi đâu.

Cô cũng muốn một lần thử mở cửa mua cho bà gói xôi, chào hỏi bà dăm câu cho bà vui, nhưng cô lại sợ. Thứ nhất cô sợ mình vô tình làm người mở hàng, nếu hôm đó rủi bà bán không hết, coi chừng bà thầm trách người mở hàng xấu, và mình lại ân hận. Dẫu cô không tin, nhưng cô thấy đa số người buôn bán họ đều rất tin vào điều đó. Thứ hai cô cũng sợ cái máu tò mò nổi lên khiến cô hỏi sa đà vào chuyện con cái, nhà cửa của bà, rồi coi chừng tối lại mất ngủ vì thương cảm không đâu, hic...

Từ ngày cô về đây ở, hình như chỉ có một ngày bà không đi bán, vì hôm đó sáng sớm mưa rất to. Những ngày mưa nhỏ giọng rao run run, có lẽ vì ướt lạnh. Và bây giờ hình như mỗi sáng cô lại đợi tiếng rao của bà. Có hôm cô bắt gặp mình nôn nao vì bà đi hơi trễ hơn mọi hôm.

Cô tự hỏi nếu đến một sáng nào đó không còn nghe thấy tiếng rao, và cả những sáng sau đó nữa, thì sao nhỉ! Có lẽ cô sẽ thấy trống trải, thiếu vắng cái gì đó đã trở nên rất quen thuộc, một trong những "tiếng đời xôn xao" quanh cô mỗi ngày. Cô sẽ cảm thấy nỗi bất an lớn dần, nếu bà cũng biến mất hoàn toàn trên đời, không để lại một chút dấu vết, một chút nhân dạng cũng không, chỉ còn lại trong ký ức cái giọng khàn khàn, run rẩy, bước chân nặng nhọc kéo lê qua cửa, nặng như một kiếp người lầm than, khốn khó!!!



7/10/14

170. Những âm thanh tuyệt vời...


6/10/14

169. Nỗi đau...


Cô đọc đâu đó câu "Cái chết cũng là khởi đầu của sự sống". Ngẫm ra cũng không sai. Ở vườn bạn, lâu lâu phải đốn bớt vài cây chuối già cỗi để lấy chỗ cho những cây con lớn lên. Những sinh vật, cây cỏ chết đi, xác vùi trong đất, rồi sẽ hóa thành chất dinh dưỡng cho những mầm xanh vươn cao đón ánh mặt trời. Con người cũng không thoát khỏi quy luật đào thải của tự nhiên. Vậy mới còn chỗ cho những bé con đang lớn, cho những thế hệ trẻ trung có đủ không gian vùng vẫy, phát huy sức trẻ.

Biết vậy nhưng những cái chết liên tiếp trong hai tháng qua vẫn khiến cô thấy mình chếnh choáng, đôi chân bước đi như không còn vững vàng trên con đường quen thuộc, mọi điều xác tín bấy lâu dường như đang lung lay...

Cô hiểu mình đang bị sốc, và cô cố gắng vượt qua cơn sốc bằng mọi cách, tự trấn an, dựa vào sự động viên của bạn bè, tìm những niềm vui mới để khỏi bị ám ảnh, không để mình rơi vào trạng thái miên man suy tưởng... Thế nhưng những đêm mất ngủ càng dày thêm, có khi suốt ba ngày không muốn bước chân khỏi cửa... Gặp bạn bè có khi lại vui quá mức cần thiết, khi thì trầm lặng không muốn nói gì...

Làm sao cô không nghĩ tới đám tang lúc sáng nay của chồng nhỏ bạn đã giao nhà cô ở. Hình ảnh bạn và cô con gái rũ rượi trước mộ huyệt, khi bạn bè, người thân ném lên quan tài anh những vốc đất nâu đỏ, đứa con trai mím chặt môi kìm tiếng khóc, thật là nát lòng!

Bà cụ mẹ bạn vừa mất hơn 10 ngày,  bạn đã phải đưa anh trở về quê trên chiếc xe bệnh viện, bất lực nhìn anh lịm dần đi khi xe mới ra khỏi thành phố... Trong cùng một tháng bạn chịu hai đại tang, còn gì đau hơn! Rồi đây khi làm xong thất đầu, những đứa con phải trở lại thành phố làm việc, bạn chỉ còn một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang với bàn thờ chồng, bạn phải sống làm sao đây!

Dù có viện dẫn những câu hay nhất của những bậc hiền triết trên đời, thì nỗi đau từ cái chết của người thân vẫn không cách gì được giảm nhẹ. Lòng người vẫn bị vò xé, tan nát, không còn biết phải sống tiếp như thế nào nữa. Có lẽ khi Thượng đế tặng cho con người trái tim và khối óc vượt trội những sinh vật khác, thì cũng đã buộc người ta phải chấp nhận nỗi đau sẽ phải đến trong kiếp người, phải trả giá cho xứng với những gì đã được ban tặng. Chẳng có gì được cho không cả!

Cô cũng chẳng biết phải làm gì cho bạn. Cảm giác bất lực khiến cô nhiều lúc như quẫn trí. Nhìn bàn thờ mẹ bạn cô lại nhớ khói hương trên bàn thờ chồng bạn, nhớ lúc bạn gào khóc khi đưa xác anh vào nhà...

Có lẽ cô phải thoát khỏi trạng thái này, nhưng thoát bằng cách nào, hở trời!!!