tĩnh lặng
28/9/13
96. Đôi điều về dịch thuật
Trịnh Y Thư
Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.
24/9/13
95. Tái ông thời nay
Ông Nội tôi có một người bạn thân. Chiều nào hai ông cũng ngồi uống trà dưới gốc dừa lửa ngoài vườn, cùng chia sẻ chuyện vui buồn trong gia đình, con cháu...
19/9/13
94. đèn trung thu của ông nội
Lúc tôi học tiểu học, năm nào ông nội cũng làm đèn trung thu cho tôi đem lên trường dự thi chấm giải và rước đèn với chúng bạn.
Năm tôi học lớp ba, nội làm lồng đèn con cá. Với tôi, lồng đèn ông nội làm là đẹp nhất. Suốt một tuần trước đó, hai ông cháu đã lụi cụi với đủ thứ đồ nghề, nào vót tre, chuẩn bị dây nhợ, giấy màu, nấu hồ... Cây đèn theo tôi vào cả giấc ngủ. Có hôm nửa đêm tôi chồm dậy hét: Con cá nó bơi đi rồi nội ơi! Bà nội thì cằn nhằn vì hai ông cháu không chịu ngủ trưa, làm miết...
Trước đêm đem đèn đi dự thi, ông cháu tôi thử đốt bạch lạp cho tôi xách đi vài vòng quanh sân, coi có bị gió lùa tắt đèn không và còn gì thiếu sót để ông nội thêm vào. Tôi còn nhớ đèn con cá chép của tôi rất đẹp với những chiếc vảy vàng óng ánh ông làm rất công phu.
Đúng đêm rằm, khi ông trăng tròn, vàng óng, mướt rượt, ngon mắt như cái lòng đỏ trứng khổng lồ ở giữa cái bánh trung thu vừa lên khỏi đọt dừa, ông chở tôi ngồi phía sau chiếc xe đạp cọc cạch, tay xách lồng đèn, đến trường dự thi rồi đi rước đèn. Tôi vui sướng tự hào với cái lồng đèn đẹp đẽ của ông cháu tôi và thầm hy vọng sẽ đoạt giải nhất.
Sân trường lung linh muôn ngọn nến với những chiếc đèn đủ kiểu. Bên cạnh những chiếc đèn tự làm, có một số ít đèn mua ở những cửa hiệu đắt tiền thắp bằng pin, chớp nháy đủ màu rất bắt mắt.
Sau màn biểu diễn múa lân của các anh lớp năm, đến tiết mục chấm đèn xen vài màn văn nghệ múa hát của học sinh các lớp. Cuối cùng chỉ còn hai chiếc đèn đang được xem xét để chọn ra một chiếc đẹp nhất trao giải, trong đó có đèn cá chép của tôi, và nổi bật nhất là chiếc đèn kéo quân chạy pin rất đẹp của một chị lớp bốn, nghe nói là con của một đại gia!
Hình như ban chấm giải gồm năm thầy cô đang bàn cãi rất căng, trong đó có cô giáo lớp ba của tôi. Cuối cùng cô giáo tôi đứng dậy bước xuống sân ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi, vẻ mặt buồn bã, tôi đoán biết chiếc đèn cá chép của ông cháu tôi không được giải. Đưa mắt tìm ông nội ở sân ngoài, tôi thấy mái tóc bạc trắng của ông đang đứng chen chúc trong đám đông phụ huynh, và rồi tôi... bật khóc!
Tôi cũng không biết vì sao tôi khóc. Có lẽ là nỗi thất vọng của một đứa trẻ do niềm hy vọng trước đó quá lớn. Cũng có thể vì tôi thấy thương ông nội quá, giống như tôi đã làm điều gì đó lầm lỗi, làm ông buồn vì tôi. Tôi khóc mãi cho đến khi ông chạy vào sân trong, đòng đòng tôi trên vai, cùng lúp xúp chạy theo đám con nít đi rước đèn đang ồn ào như chợ vỡ, đi hết một vòng qua các con đường đất làng quê.
Tôi nhớ mãi dáng ông cao lêu đêu cõng tôi đi cuối hàng đám rước, chiếc đèn cá chép đong đưa trên tay tôi, như đang bơi giữa một dòng sông lung linh sắc màu, với ánh trăng vàng rưới mật lên ngàn cây nội cỏ. Trăng nhuộm cả mái đầu bạc trắng óng ánh của ông, ngay dưới cằm tôi, có lẽ nhuộm cả những giọt nước mắt còn vương trên má con bé mít ướt...
Đêm đó tôi đi ngủ với chiếc đèn bên cạnh. Trong giấc mơ, tôi và ông nội ngồi trên lưng con cá chép thắp cây bạch lạp, và nó đang bơi một mạch ra biển xa, trong tiếng cười trong veo của con bé...
15/9/13
93. đi tìm một chữ "ngộ"...
Cái tin chị chủ động đưa đơn ly hôn với anh như một quả bom tấn nổ trên làng quê nhỏ bé. Ở một thị trấn ven biển, hầu như ai cũng biết ai, hơn nữa chị lại là một giáo viên mẫu mực, hiền lành, cái tin động trời ấy lan nhanh hơn khói. Nó len từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra cơ quan, từ cơ quan ra chợ, và nó khiến người ta cứ chụm đầu rì rầm...
10/9/13
92. để quên rằng đã lan man...
Mấy bữa nay đầu óc không bình thường, cứ lan man chuyện đâu đâu, sáng nay tôi quyết định đi cafe một mình để tìm một khoảng lặng cho riêng tôi.
8/9/13
91. lại lan man từ chuyện cầu toàn...
Một người sếp có tính cầu toàn thì nhân viên chịu khổ. Chắc chắn là khó làm vừa lòng sếp nếu không làm đi làm lại một báo cáo, một kế hoạch hoặc khi thực hiện cũng sẽ bị chê lên chê xuống...
4/9/13
90. ảo...
làm sao hiểu thấu được lòng người
như thấy bóng thu tàn ngoài
song cửa
bởi đâu phải tim ai cũng đang thắp lửa
soi rọi một đời sáng tối hoá mông lung
những ngọt ngào đôi khi là bẫy giăng
như ánh trăng xanh thấp thoáng vùng u tối
vẫn bước chông chênh gập ghềnh bối rối
vẫn cứ ngập ngừng vướng víu ngõ hoang mang
anh mãi dệt những vần thơ chênh vênh
tôi đọc hoài vẫn chưa xong câu cuối
tìm đâu thấy giấc mơ đời đắm đuối
đành quay về nghe sóng vỗ trùng khơi...
1/9/13
89. cần một người mua dùm viên kẹo
Có những khoảnh khắc trong đời không ai ngờ trước được
là vĩnh viễn...
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)