tĩnh lặng

tĩnh lặng

30/4/14

144. Cảm nhận tháng tư


Nhìn dòng người trẻ đi chơi nườm nượp dưới đường, có lẽ tháng tư với họ chỉ đơn thuần là một trong những đợt hội hè, được nghỉ ngơi, được tụ tập, được đi chơi thoải mái, vui vẻ cùng bạn bè...

30/4 với những người trên tuổi 50, ít nhiều đều gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước. Có vui, có buồn, có tang thương, dâu bể, có những nỗi đau nghẹn đắng, cũng có những niềm vui vỡ òa nước mắt...

Có khi ta so sánh ta với một nước Nhật điêu tàn sau Thế chiến, và lấy làm hờn giận chính ta sao lại chậm chạp đến thế, lạc hậu đến thế, cứ loay hoay suốt mấy chục năm ròng mà vẫn chỉ lẹt đẹt hụt hơi theo sau những nước trong khu vực. Thế nhưng nước Nhật khác ta một điều rất quan trọng. Họ không bị phân hóa trong cộng đồng dân tộc. Họ nhất nhất một lòng xây dựng đất nước, với một ý chí, một mục đích duy nhất.

Bao nhiêu năm trôi qua, cuộc chiến tranh gần nhất của nước ta vẫn còn để lại nhiều di chứng ác nghiệt. Tháng tư mỗi năm vẫn khiến lòng người còn đau, dù là nỗi đau âm ĩ. Vẫn còn đó những từ thắng, thua, phe ta, phe địch... Vẫn còn đó những nỗi niềm gặm nhấm, lòng người mãi bất an. Vẫn còn đó những chối từ quê hương, quay lưng với một VN không phải của chính mình, thế thì làm sao ta còn có một hy vọng nào về sự trỗi dậy của VN trong ngày mai, được chia với thì tương lai gần...

Nên chăng ta học bài học cỏ cây, biến vết sẹo chiến tranh thành sự gọi mời của sinh sôi, nảy nở. Ta học ở tự nhiên sự thanh thản, để hiểu thấu đáo lẽ trời trong tận sinh có tận diệt, trong tàn phai ẩn chứa tồn sinh...

Bài viết sau đây được trích ở Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 27/4. Không biết khi đọc xong bạn có vui thích như tôi không, có thấy lòng bình an như vừa được uống một ngụm nước mưa trong cái lu sành mát lạnh, múc bằng cái gáo dừa nhỏ có cái cán tre, ngụm nước mát lành của ngày xưa thơ ấu, thanh bình...

Học ở cây (Trích)
                   Tác giả:  Lê Minh Nhựt
...
Thân dừa lão sau vườn có cái hốc nhỏ ấm áp, năm nào cặp sáo "quen mặt" cũng về làm tổ. Tụi trẻ trâu ngày ấy, trong một lần leo lên bắt sáo con, đã moi ra một đầu đạn lên gỉ đồng xanh rờn. Đầu đạn này sau khi được bắn ra khỏi nòng súng thì ghim thẳng vào thân dừa. Mối mọt lần theo vết đạn trên thân cây để kiếm ăn, lâu dần tạo thành cái hốc. Dĩ nhiên, lũ sáo không hay biết: chiếc tổ của chúng chỉ là một trong vô vàn những thứ được tạo thành bởi chiến tranh, ngay cả khi dị vật được lấy ra khỏi đó thì vết thương chẳng bao giờ lành lặn như xưa. Cây không thể chữa lành vết thương ác nghiệt trên thân thể nên thay vì kể đi kể lại cách viên đạn xuyên vào thân thể để suốt đời nhức nhối vì căm hờn, thì cây lại gọi mời chim về làm tổ. Cây vẫn nhớ về nỗi đau nhưng biết tự xoa dịu bằng cách nuôi dưỡng hiện thân của hòa bình, ngay trên chính vết thương của mình.

Có nhiều cách để kể về chiến tranh mà không luận bàn chuyện thắng thua, thù hận và không gieo thêm bất kỳ tiếng súng vào lòng, bởi đâu cần thiết phải làm tổn thương thêm bất cứ trái tim nào ngoài những trái tim vốn dĩ vẫn chưa thôi rướm máu. Mong đến một ngày, những câu chuyện chiến tranh sẽ được kể bằng giọng tha thứ - cũng chính là ngày con người học được cách xoa dịu đau thương từ cây cối an nhiên xung quanh mình!






27/4/14

143. Giọt nước mắt (NPV)


Giọt nước mắt    (Thơ:  Nguyễn Phong Việt)

Khi những đớn đau không còn đủ sức để chịu đựng
khi những nhớ thương, hạnh phúc đã cuộn vào lòng như sóng biển
là khi những giọt nước mắt
rơi...

Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình một chuyến đi dài
dâng từ trái tim lên khóe mắt
cả một quãng đường có khi là nhiều tháng năm hay chỉ là một khoảnh khắc
để rồi cúi đầu và khóc
vì không thể làm gì hơn!

Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình hình dáng của sự cô đơn
lăn từ khóe mắt qua cánh mũi
như một vệt dài của sướng vui và buồn tủi
như một giọt sương rơi vào khuya tối
cảm giác của nghẹn ngào không nói
sâu đến vô cùng...

Mỗi giọt nước mắt đều mang trong mình một mũi tên
sượt vào bờ môi mặn chát
có lần nuốt vào trong mặc trái tim bỏng rát
có lần cắn răng để trôi qua suốt chiều dài gương mặt
để chứng kiến hết những vỡ òa...

Những giọt nước mắt có thể nào đại diện hết cho những ước mơ
cho người cần một tình yêu quay trở lại...
cho người cần thứ tha những lầm lỗi...
cho người cần đợi chờ cả đời chỉ để nói một câu nói...
cho người cần vứt bỏ hết ngày hôm qua vào vũng tối...
sớm mai thức dậy trong buổi bình minh!

Không ai biết trước được lúc nào trong tim sẽ cạn khô hết những yêu thương?
những giọt nước mắt khi nào sẽ ngừng chảy?
những người với người trói buộc nhau vì tất cả (ngoại trừ tình yêu) thế gian muốn nhìn thấy?
những người muốn sống mà không thể sống như một ngọn nến cháy
cả đời không một lần thắp lên?...

Những giọt nước mắt
trong mỗi con người
luôn sống với cảm giác đau đớn vì cần được lãng quên!





20/4/14

142. Liệu pháp thay thế




Để giảm bớt cơn đau ở một nơi nào đó bên trong cơ thể, thường người ta hay tự làm đau ở phần bên ngoài, và có vẻ như nhờ vậy, cơn đau giảm đi. Khi ta đau đầu chẳng hạn, ta hay tìm cách day trán, bắt gió ở hai bên màng tang, bắt gió ngay giữa hai chân mày cho đến lúc sưng đỏ lên, và quả thật cơn đau đầu giảm đi dù chưa dùng thuốc.

Dường như điều đó có thể áp dụng cho những cơn đau thuộc về tâm hồn. Trong cơn thống khổ, ta có thể khiến nó dịu đi khi ta buộc mình làm một điều gì đó trái với tính cách. Như có thể tự hạ mình xin lỗi về một chuyện không phải mình làm lỗi, phải năn nỉ ỉ ôi dù người ta khăng khăng... oa xì mình ra, không thèm chơi với mình nữa và có nhiều lời lẽ khá là xúc phạm! Trong khi lòng tự trọng bị chà đạp, trong khi ta cố gồng mình kìm chế cơn giận và sự xấu hổ, hình như những dằn vặt, đau đớn trong ta suốt thời gian qua được giảm bớt, dường như nó không còn cào cấu làm tâm hồn ta nát bươm ra nữa... Ta gọi đó là "Liệu pháp thay thế"!

Cũng có thể ta tự hành hạ mình để trừng phạt chính mình, trừng phạt những quyết định sai lầm dẫn đến nỗi đau. Cũng có thể ta không coi trọng mình nữa và muốn bị sĩ nhục, dù là oan ức... Ta đã dùng nỗi đau này để giảm nhẹ nỗi đau khác. Liệu pháp ấy thật sự tàn nhẫn, nhưng đôi khi là cần thiết để thoát khỏi ám ảnh.

Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng tình và chịu áp dụng. Và dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ mong cho bạn thử dùng nó một lần trong đời. Nhưng quả thật nó cũng có tác dụng tốt đó bạn à, nếu "bịnh" của mình đã đến độ trầm kha! hehe...



10/4/14

141. Dường như...




dường như đời đã xa ta

dường như ta đã dần qua một đời

dường như ngày đã lên rồi

dường như con nước cuốn trôi muộn phiền...




2/4/14

140. Cây chùm ruột sau nhà


Chùm ruột


Tôi không nhớ ai đã trồng cây chùm ruột và trồng từ bao giờ. Chỉ biết khi tôi từ biệt Nội, về ở với ba má thì cây chùm ruột đã lớn lắm rồi và rất sai trái.

Ở với Nội từ nhỏ, tôi là đứa cháu cưng, muốn gì được nấy, hơi tí là khóc nhè. Là con bé hay cười, nhìn cái gì, nghe chuyện gì cũng muốn cười và cười thật to, thật giòn. Về ở với ba má, tôi là chị cả của một bầy em lóc nhóc, suốt ngày bên nách lúc nào cũng có một đứa nhóc, lỡ tay làm em té là ăn đòn... Tôi dần tắt mất nụ cười, gương mặt lúc nào cũng ngơ ngác, u ám như gà con lạc mẹ! Tôi cũng không còn ai để líu ríu chuyện trò, hỏi han đủ thứ như lúc còn bên Nội. Và tôi trở thành con bé thầm lặng từ lúc nào không nhớ...

Tất cả những nỗi niềm của con bé chín, mười tuổi, tôi gởi hết cho... cây chùm ruột! Tôi thích nhất buổi trưa im vắng, khi mọi người trong nhà đã chìm vào giấc ngủ, tôi lén lén đi ra sau nhà, mở cửa sau, leo lên cây chùm ruột, lựa cái chạc ba vừa cao vừa vững chãi rồi nằm dài trên cây, ngửa mặt tìm trong đám lá xanh um chùm trái mọng nước, lựa cho được những trái rám nắng, thật vàng, đôi khi hơi bị nứt, nhón một trái cho vào miệng nhai, thật giòn và ngọt ngọt chua chua, ăn mãi đến xót ruột mới ngưng.

Có bao giờ bạn thấy một đứa nhỏ vừa ăn vừa... khóc chưa? hehe... Tôi đã từng thấy nhiều lần rồi đó. Con bé vừa nheo mắt nhìn những đám mây trên bầu trời lồng lộng gió biển, vừa tưởng tượng đủ thứ hình ảnh ngộ nghĩnh, vừa nhai chùm ruột, vừa kể lể những chuyện tủi lòng, kể với Nội, như là đang ngồi trong lòng Nội vậy. Những giọt nước mắt tuôn theo dòng kể, chảy luôn vào cái miệng đang nhai...

Năm đầu cấp ba, tôi phải vào tỉnh học. Đến khi về thăm nhà, tôi sững người khi thấy cây chùm ruột bị chặt mất rồi. Tối đó, tôi đã trùm mền kín đầu và khóc nghẹn không ra tiếng!

Nếu ai hỏi tôi thích thứ trái cây nào nhứt, tôi sẽ không ngần ngại trả lời trái chùm ruột! Đã có nhiều bạn mắt tròn mắt dẹt cho tôi là khùng, thích chi cái thứ trái nhà quê, nhỏ xíu, toàn là hột, không ngon chút xíu nào. Nhưng biết làm sao được, khi cho đến giờ, cái cây tôi yêu quý nhất vẫn là cây chùm ruột sau nhà, cho dù nó đã không còn một chút dấu vết. Mãi mãi trong tôi, hình ảnh con bé buồn rầu trước tuổi năm xưa còn hiển hiện, thì người bạn tuổi thơ, cây chùm ruột ngày xưa đã ấp ủ, chở che con bé lạc loài trong đám lá mướt mát xanh tươi của nó, vẫn chưa hề mất đi bao giờ!