tĩnh lặng

tĩnh lặng

28/9/13

96. Đôi điều về dịch thuật



Trịnh Y Thư

Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.

Rất có khả năng nó sẽ tái hiện ở một “đời sống mới”. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc; một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.

Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống chừa cho hắn để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thongdong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu bạn là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở bạn được. Bạn có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nhưng tôi không thể làm như Bùi Giáng, lẽ dễ hiểu bởi tôi không có văn tài độc đáo như ông. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.

Song bạn có thể hỏi ngược lại tôi: “Đọc Mùi Hương Xuân Sắc, tôi đâu muốn đọc Bùi Giáng, tôi muốn đọcSylvie của Gérard de Nerval cơ mà. Chỗ nào cũng thấy Bùi Giáng ‘lai rai phiêu hốt’ còn tác giả ra sao, văn phong như thế nào thì chẳng thấy đâu.”

Văn phong hay phong cách trong văn học là đề tài lớn, chúng ta từng nghe nhiều nhà phê bình nói đến. Tôi vốn dị ứng với lí thuyết văn học nên không dám nói gì ở đây ngoại trừ định nghĩa cơ bản của cụm từ “phong cách văn học.” Theo tôi, phong cách trong văn học giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật, nó tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nhà văn. Nó chính là nghệ thuật của sáng tạo. Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nhà nghệ sĩ. Claude Debussy và Maurice Ravel sinh cùng thời, đều là người Pháp, cùng sáng tác dưới luồng sáng của nhạc phái Ấn tượng, nhưng nhạc của hai ông khác nhau lắm, người nghe không thể nào lẫn lộn được. Đó là nhờ mỗi ông đều thành công trong việc tự tạo cho mình cái dấu ấn đặc trưng. Đôi lúc tôi nghĩ nghệ thuật phải chăng chỉ có thế, kẻ thành công lưu danh muôn thuở chẳng qua chỉ là kẻ có cái tài năng vượt trội biết sáng tạo nên cái khác thường, độc đáo, mà sau khi công bố người đời nhìn vào đều phải bật ngửa, ngẩn ngơ thốt lên, “Ủa, có dzậy thôi mà hồi nào đến giờ mình hổng thấy cà?”

Phong cách trong văn học định đoạt tiềm năng nghệ thuật của tác phẩm. Gustave Flaubert bỏ ra năm năm trời để viết cuốn Madame Bovary. Tác phẩm ra đời đánh dấu khúc quành quan trọng trong văn học Pháp tiền bán thế kỉ XIX. Ngoài sự kiện nó là cuốn tiểu thuyết “tâm lí” đầu tiên, chính phong cách nghệ thuật của nó, nội dung cũng như hình thức, đã khiến nó được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Baudelaire bảo sau Balzac chính Flaubert là người bứt phá, đập tan cái trì trệ của văn học Pháp lúc đó.

Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm. Tôi đang nghĩ đến tác phẩm tiểu thuyết Lolita của văn hào Vladimir Nabokov. Trong tác phẩm tiểu thuyết này Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ ngôn từ phải nói là linh diệu. Cú pháp và thủ pháp sử dụng Anh ngữ của ông kể như vào hàng cao thủ thượng thừa, chí ít cũng mười hai thành công lực. Tiếng Việt của tôi cũng phải linh diệu như tiếng Anh của Nabokov để dịch tác phẩm này, nếu không, tôi sẽ giết Nabokov mất vì tôi biến tác phẩm nghệ thuật của ông thành chuyện dâm ô! Nhưng cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không? Căn cứ vào định đề đặt ra ở phần vào nhập của bài viết, câu trả lời là không và có lẽ tôi sẽ không công bằng với Nabokov chút nào. Văn phong của Nabokov chính là cái linh diệu của ngôn từ ông sử dụng trong ứng tác nghệ thuật. Thế nhưng nếu chỉ với bút pháp dịch thuật linh diệu thôi thì đã đủ để lột tả phong cách văn học (nghệ thuật) của Nabokov chưa? Tôi không biết bạn ạ, bởi nó thuộc về cái bất khả tư nghì mất rồi, tôi phải dùng trực giác để định đoạt thôi và chưa chắc tôi đã thành công. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.

Traduttore, traditore—dịch là phản. Dĩ nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng hiện hữu những giá trị tương phản gần như nghịch lí, nhưng càng ngày, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, tính tương phản ấy càng thu nhỏ. Hơn nữa, từ lâu tôi đã không xem ý nghĩa của nó là chân lí. Ngược lại là đằng khác, bởi nó có tính thời thượng. Với tôi, nó chỉ có tác dụng cảnh báo người dịch phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố lúc nào cũng túc trực chờ đón người dịch để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi bằng phẳng chút nào.

Cách đây ít lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Thoạt nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào để dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn nhan đề “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh” lắm. Trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ của ông ấy, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm chữKhôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như bạn thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong bi kịch Hamlet của Shakespeare. “… Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu vật thể ghê sợ của cái thây ma.”

Phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Thôi, tôi đành phụ lòng Kundera vậy. Nếu người dịch là kẻ bắc cầu giữa hai nền văn hóa thì cây cầu của tôi là cây cầu khỉ lắc la lắc lẻo băng qua đại dương đầy sóng dữ.

Bạn hỏi tôi tại sao chọn con đường dịch thuật. Không, tôi đâu có chọn nó. Nó chọn tôi đấy chứ. Dịch mệt lắm. Dịch còn có nghĩa là sai khiến. Với tôi, nó đồng nghĩa với “dịch vật”. Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “Sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, bảo gì làm nấy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Và “dịch vật” nhất là dịch thơ.

Dịch một bài thơ có lẽ nhanh chóng hơn dịch một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn. Tôi không tin tưởng vào việc dịch thơ lắm mặc dù trước đây tôi có lai rai dịch một số thơ của Yevgeny Yevtushenko, Boris Pasternak, Czeslaw Milosz, Robert Frost . . . sang Việt ngữ, phần lớn là những bài tương đối dễ dịch, dễ hiểu, không đòi hỏi chữ nghĩa ẩn mật hoặc tư duy siêu hình. Có nhiều lập luận chống đối việc dịch thơ, phần lớn là của các nhà thơ. Họ bảo bản dịch không bao giờ lột tả được trọn vẹn cái phong phú và ẩn mật của chữ nghĩa trong nguyên tác. Quả tình tôi không rõ lắm, hoang mang là đằng khác, và mỗi lần dịch thơ, tôi đều cảm thấy có cái gì bất ổn.

Nghệ thuật thơ là phương thức phối từ trong câu thơ khiến cho ý thơ trở nên phong phú, tạo phong cách nghệ thuật, gây thú vị nơi người đọc. Mỗi từ đứng riêng một cõi xem tầm thường vô vị nhưng khi kết hợp nhau nhờ cây đũa thần của nhà thơ bỗng như mang sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ. Giở ra một bài thơ nổi tiếng của một thi hào lớn nào đó, tôi thấy các từ ngữ ăn nằm với nhau như các gam màu trên bức tranh tuyệt hảo và hồ như chúng chỉ có tác dụng ở ngôn ngữ của nguyên tác thôi, khi chuyển sang ngôn ngữ khác, hiệu ứng đó mất sạch. Tôi không rõ lắm, chỉ mơ hồ nhận biết như vậy. Nhưng bạn cứ để tôi tiếp tục dịch bài thơ. Rồi nhạc tính trong thơ. Tôi phải cải biên tính nhạc của bài thơ như thế nào để khúc giao hưởng hoành tráng tuyệt vời đừng biến thành giai điệu tưng từng tứng tưng từng vô vị, gượng ép. Rồi cảm xúc của bài thơ—nếu bạn theo tôi trèo lên tầng thứ hai của thi phẩm—sẽ ra sao nếu chúng ta cho nó cái đời sống mới mà chúng ta o ép gán lên nó? Ngoại trừ những thể thơ cố tình chối từ cảm xúc (mà từ lâu tôi ngưng theo dõi vì quá ngán ngẩm), phần lớn thi ca của nhân loại đều mang nặng tính trữ tình. Ở đó, trĩu nặng đằng sau mỗi từ ngữ, mỗi con chữ, là cả một khung trời, một mảnh đất, một dòng sông, một con phố, một dung nhan, một tình yêu, một cành cây, một phiến đá, một ngôi nhà, một thành quách, một đền đài, một kỉ niệm, một quãng đời, một lịch sử, một thời đại đặc trưng mà khi chuyển ngữ chúng như bị lưu đày sang mảnh đất hoàn toàn khác lạ. Những con chữ thốt nhiên hoảng loạn; chúng li tán, ngơ ngác, loạn xạ; lai lịch chúng biến đâu mất, bản lai diện mục chúng không còn mà còn lại chỉ là những xác chữ vô hồn. Bài thơ trở nên vô cảm. Tôi nhìn những từ ngữ đường bệ hạnh phúc nằm bên nhau trong bài thơ nguyên tác bỗng thấy tội nghiệp cho chữ nghĩa của tôi nhếch nhác buồn thảm như những khuôn mặt đám lưu dân vô tổ quốc bên bài thơ dịch và tôi vò nát trang giấy rồi ném nó vào sọt rác.

Có lẽ tôi sẽ vẫn dịch thơ nhưng quả thật đó chỉ là công việc của người học trò tập tành làm thơ.

Các nền văn học dân tộc trên thế giới hầu hết đều có truyền thống dịch thuật lâu dài. Nhiếu chứng tích thư tịch cổ cho thấy loài người đã dịch từ khi có ngôn ngữ viết. Sự trưởng thành của nền văn học dân tộc nào cũng kèm theo sự trưởng thành của các cao trào dịch thuật. Riêng ở Mĩ, xứ sở tôi đang sinh sống, gần như không có tác phẩm nghệ thuật quan trọng nào không được dịch sang Anh ngữ, từ Homer đến Đường thi, Hài cú. Thậm chí Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Tử viết từ thời Chiến Quốc bên Trung Hoa cũng có chí ít hai ba bản dịch khác nhau. Tác phẩm của những nhà văn quan trọng ngoài dòng văn học những quốc gia nói tiếng Anh đều có bản dịch bày bán cho công chúng. Đó là thành tựu to tát xây đắp bởi nhiều thế hệ. Tri thức của nhân loại mấy ngàn năm bạn có thể đọc hết chỉ cần bạn thông thạo Anh ngữ (và có thời gian).

Đó là những điều tôi chứng kiến, bởi thế tôi rất ngạc nhiên khi bạn bảo tôi “… nước Mĩ, vì ít bị áp bức trong vấn đề tự do ngôn luận, nên đã không có một truyền thống mạnh về dịch thuật.” Tôi không đồng ý chút nào về lập luận này. Đúng hơn, dịch giả Mĩ là những người thầm lặng bị lãng quên. Tên tuổi họ không ai biết đến. Họ là chuyên gia, mà chuyên gia thì xoàng quá, ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu khó học hành và lao động. Đa phần người ta nghĩ như thế. Lại tủ sách lấy xuống cuốn One Hundred Years of Solitude của Gabriel García Márquez, tìm mãi tôi mới thấy tên dịch giả Gregory Rabassa nhỏ xíu nằm khiêm nhường ở trang trong. Họ cũng ít ồn ào. Chẳng bao giờ bạn nghe tin một dịch giả bị công an chính quyền độc tài bỏ tù vì những gì ông ta dịch. Bạn cũng chẳng bao giờ thấy dịch giả đi diễn thuyết trước công chúng nói về những điều trong dịch phẩm của ông. Ê, nếu tôi muốn biết tường tận về tác phẩm X thì tôi tìm đến nghe tác giả nó nói chuyện chứ việc gì tôi phải nghe một người second-hand như ông! Hơn nữa, văn học Mĩ quá phong phú và đa dạng, độc giả Mĩ không có nhiều nhu cầu tìm đọc các tác phẩm nước ngoài. Dịch phẩm đa phần được chiếu cố bởi giới trí thức, kinh viện ngoại trừ những tác phẩm nổi tiếng được công chúng biết đến qua báo chí, truyền thông vì nó dính líu đến khía cạnh chính trị.

Phần lớn dịch giả cũng là học giả, giáo sư Đại học, chuyên gia văn học so sánh, nghiên cứu sinh về ngôn ngữ và văn hóa thế giới. Họ làm việc với tinh thần nghiên cứu và dịch thuật luôn luôn là một chuyên đề cho họ bàn thảo. Dịch giả Mĩ hồ như là chuyên gia nhiều hơn là nhà văn, có lẽ tệ hơn thế, một người cạo giấy, một anh thợ thủ công nghệ.

Dịch. Lao động thì như “dịch vật” lại còn bị người đời xem như anh thợ thủ công nghệ. Có thể tôi đang tô son trát phấn, trang điểm lộng lẫy cho cô Chung Vô Diệm chăng? Nghề văn vốn dĩ đã bạc bẽo, nghề dịch có lẽ còn bi thảm hơn.

Một hôm chiều thứ Sáu vợ tôi gọi dây nói trong lúc tôi đang làm việc ở cơ quan, “Anh ơi, tối nay về sớm anh pha bột cho em làm bánh nhé. Recipe em để sẵn trong bếp.” “Được rồi, chuyện nhỏ, em yên trí.” Tôi trả lời. Tôi về nhà đọc recipe của vợ và sắn tay áo pha bột làm bánh sinh nhật cho thằng con. Trong recipe có câu “Then pour in 5 cups of water.” Ồ, dễ quá, 5 “tách” nước đổ vào tô bột rồi cho máy đánh vào quậy. Quậy bột nên hồ. Tôi vừa làm vừa ư ử trong cổ một điệu nhạc quen thuộc. Phen này vợ tôi phải phục tài nội trợ của tôi sát đất mất thôi. Tôi làm xong bỏ đi tắm, chờ cô về nướng cái bánh tuyệt hảo.

“Giời ơi! Anh làm gì mà bột nhão như cháo loãng thế này!” Tiếng vợ tôi kêu lên thảng thốt. Mặt tôi đang hí hửng bỗng xịu xuống như mèo mắc mưa. “Ơ … thì anh làm đúng theo recipe của em đấy thôi.” Tôi chống chế. “Đây này, đổ vào 5 cup nước.” Vừa nói tôi vừa đưa cô xem cái tách cà phê tôi vẫn dùng uống cà phê mỗi sáng trước khi đi làm.

“Giời ơi là giời! Cup là cái này đây, ông ơi là ông!” Cô mở tủ bếp lấy ra một cái “cup” thủy tinh trên có những đường chỉ màu xanh vạch ngang, trên mỗi đường chỉ lại có thêm hàng chữ 1 cup, 2 cups, 3 cups chỉ định dung lượng của chất lỏng bên trong. Hiển nhiên một “tách” cà phê của tôi tương đương với 2 cups của cô! Thật là tai hại! Và sự nghiệp làm đầu bếp của tôi chấm dứt từ hôm đó.




52 nhận xét:

  1. Lâu lắm rồi HB mới có dịp rãnh ghé sang thăm G!
    Xé TEM VÀNG nha G!
    Bài này giúp vốn hiểu biết của HB thêm mở rộng, cám ơn Nàng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu có sao HB. Lâu lâu mnh2 mới gặp nhau nhưng ko quên nhau là được mừ.
      Giáo cũng cảm ơn tac1 giả như bạn dzậy! Mong HB vui ngày mới nhe!

      Xóa
  2. Đọc bài có nhiều ý muốn nói, nhưng vì:
    1.Đây là bài của TYT nên không dám thất thố.
    2. Đọc chuyện mần bánh của tác giả, hiểu rằng: hỏng phải chiên môn của mình thì nên dựa cột mà nghe.
    Cám ơn giaolang đã post một bài hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải là " ăn bánh" thì mới là "chuyên môn " của Bác Nô ha....Hihi

      Xóa
    2. Đâu có gì thất thố bác Nô ui. Cứ đưa ý kiến tự nhiên đi. Biết đâu giáo cùng đồng ý kiến với bác thì sao. Mình ở góc độ người thưởng thức, có thể mình cũng có ý kiến xác đáng chớ bộ!
      Nhưng quả là một bài rất hay về dịch thuật. Giáo thuộc loại "điếc ko sợ súng" cũng làm bộ võ vẽ vài đường dịch thuật, đọc bài của ổng càng có ích, để mình đừng cẩu thả, bừa bãi mà tội cho nguyên tác lắm, giống như mình bôi bẩn nó vậy!

      Xóa
    3. hehe... cái này là oan cho bác Nô quá đó MTB ui!

      Xóa
    4. Ủa,tui đâu có nói gì sai mà Giáo kêu oan dùm Bác Nô, khg phải Bác Nô từng nói là.......hay sao, đừng hiểu sai ý tui nghen.

      Xóa
    5. Ừa, đúng rùi đó. Chỉ tại bác Nô tự nhận mình là... hehe...

      Xóa
  3. Trịnh Y Thư tên thật là Trịnh Ngọc Minh, sinh 1952 tại Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn và du học tại Hoa Kỳ từ năm mười tám tuổi. Sau biến cố tháng 4 năm 1975, anh bắt đầu khởi viết và là khuôn mặt quen thuộc của các tạp chí văn chương của nền văn học hải ngoại.
    Anh là một chuyên gia điện tử viễn thông để mưu sinh cho cái nghiệp viết văn, làm thơ, dịch giả.
    Là nhà văn, anh đã xuất bản tập truyện ngắn Người đàn bà khác, là dịch giả anh đã chuyển ngữ Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera và Căn phòng riêng của Virginia Woolf, là nhà báo anh đã từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn Học.
    Làm thơ (một công việc mà anh tự cho là có hứng thú nhất) anh đang chọn lựa trong hàng trăm bài thơ đã làm để in một tuyển tập thi ca trong thời gian sắp tới. Thơ của Trịnh Y Thư vừa có nét cổ điển nhưng lại có những khám phá mới của suy tư khác hơn với những quen thuộc của thi ca Việt Nam.
    Trịnh Y Thư và Nguyễn Mạnh Trinh đã cùng cộng tác để thực hiện Tuyển tập 23 người viết sau 1975 như một cách góp mặt của những người vừa tham gia vào sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại.
    Và sau cùng Trịnh Y Thư còn là một cầm thủ ghi-ta cổ điển từng theo học với danh cầm Pepe Romero vào thập niên 80.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn nhiều đã có công cho giáo và bạn bè biết thêm đôi điều về TYT. Quả ông là người đa tài! Và với kiến thức quảng bác cộng thêm sự cẩn trọng, có lẽ lĩnh vực nào ông tham gia cũng là người xuất sắc. Ngưỡng mộ thay!

      Xóa
  4. Chưa bao giờ HM muốn trở thành dịch giả vì HM luôn muốn một cái gì mới của mình mà không phải là sự bắt chước hay nhại lại. Tuy nhiên, theo HM, dịch thuật là một nghệ thuật, không phải nhà ngôn ngữ nào cũng có khả năng làm được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HM thử dịch coi. Giáo thấy bạn rất giỏi tiếng Anh đó. Người dịch cũng là tác giả thứ hai đó HM à, và ko dễ dàng chút nào vì khi tự viết thì mình... vung vít thế nào cũng được, nhưng đụng đến tác phẩm của người khác mình phải cố sống theo mạch truyện của họ, cố thâm nhập vào tâm hồn họ thì mới có thể có một truyện dịch ko phản lại nguyên tác.

      Xóa
  5. Anh có tính nhanh nhẩu, vào là đọc nội dung không lăng quăng xung quanh. Ngỡ là hôm nay Giáo viết một bài quá hot, giọng nghe đanh thép, từng trải và chuyên nghiệp. Một bài lí luận học thuật sắc bén.
    Định viết một lời mừng với Giáo, nhưng giờ thì đành thôi vậy.
    Anh chúc Giáo vui nhiều nhé


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm gì giáo có đủ trình độ để có một bài viết thế này anh 6 ui! Nhưng cũng đáng cho anh viết lời mừng giáo và cảm ơn giáo nữa vì đã có công tìm giúp anh một bài đọc thiệt là hay và bổ ích mừ! Anh 6 này thiệt là hà tiện lời khen đó nhe! Hỏng thèm cười hehe đâu! hihi...

      Xóa
  6. Trả lời
    1. Cái này là phải... mè nheo với anh MTH đây! Cố tình chọc giáo mừ! Hãy đợi đấy, giáo sẽ sang nhà anh... quậy cho coi! hehe...

      Xóa
  7. Em thì chưa đủ trình độ bình loạn cái chủ đề này. Đọc mà còn lơ ngơ nữa nè chị.
    Thui, cho em chạy qua nhà, ngó chị iu cái rùi về. chủ nhật nghỉ ở nhà, hát đi chị ơi ! lâu rùi không nghe chị hát nè ! em nhớ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hehe... sẵn Thùy nhắc chiện hát giáo mới thú thiệt thì là giáo đã làm hư cái phần thu, bi giờ hỏng biết đường sửa, hic...,
      Để giáo tìm cách khác coi sao rùi hát cho Thùy nghe nhe! Chỉ sợ có ngừ... ném đá! hehe...

      Xóa
    2. toàn người quen không hà, hổng có ai ném hết á chị iu ui !

      Mấy bữa không thấy chị, bên Fb cũng không. chị khỏe không vậy chị ? Hổng thấy chị tự dưng em lo lo ngang hà .
      Nhớ giữ gìn sức khỏe nha chị iu !

      Xóa
    3. Đang bận... đan áo Thùy ui! Mê đan quá nên ngó lơ cái máy vài ngày, hic...
      Sẽ lên fb để qua nhà cưng nhe! Hãy đợi đấy!

      Xóa
  8. Chắc Giáo hay dịch bài lắm nhỉ?. Sóng thì bó tay chấm com thui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo đang tìm hoài mà chưa có bài nào ngăn ngắn, hay hay một chút cho giáo dịch đây nè! Anh Sóng là chân đi thì còn thì giờ đâu mà dịch hở!

      Xóa
  9. Q cũng có đọc các dịch phẩm,có đối chiếu so sánh.Cũng thấy hứng thú với dịch giả này,không hứng thú với dịch giả kia,khi có chung một nguyên tác.Nhưng nhận xét,vẫn ngoài tầm tay.Thưởng thức thôi ạ!Chúc chủ nhật nhiều vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì mình cũng chỉ biết phán một câu hay hoặc ko hay thui chứ biết gì đâu mà nhận xét Q ui! Hôm nay thứ hai rùi, ngày mới vui nhe bạn!

      Xóa
  10. Trả lời
    1. Ông TYT giỏi chứ giáo mà giỏi cái gì bồ tèo ui!

      Xóa
  11. Người đọc tất nhiên là muốn cảm nhận nguyên ý của tác giả, vì vậy dịch thuật là chuyển ngử từ ngôn ngử nầy sang ngôn ngử khác mà đảm bảo chuyển tải đúng nội dung tác giả muốn trình bày. do đó có khi dịch không đúng từng chử ở nguyên tác mà cũng không xa lìa ý của tác giả mấy ý với chị , chúc chị chúa nhật an vui nhé..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo cũng đồng ý kiến với Mẫn đó. Ngày mới đầy phấn khởi nhe Mẫn!

      Xóa
  12. 1- Thoạt nhìn thấy bài dài thì “sợ” nhưng càng đọc càng bị cuốn hút. Đến cái kết thúc thì tuyệt vời thú vị. Cái sự dịch không dễ dàng gì cho dù chỉ có vài dòng vợ dặn hihihi
    Người viết có thừa nội lực để viết về cái đề tài mình đặt ra. Hình như chữ nghĩa, ý tứ, được dồn nén lại thành hình khối để người đọc nhìn được từ trước con chữ, cả phía sau con chữ. Cái hấp lực của bài viết ngoài trí tuệ ra còn đầy chất hài nhước, dí dỏm, chắc tác giả là người vui tính lắm.
    2- Tác giả rất thận trọng khi viết “nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch. Tuy nhiên xin tác giả giả giải thích cho, Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu). Nguyễn Du dựa vào đó để viết nên Truyện Kiều thì gọi là dịch hay phóng tác ?
    3- Nhà bác học Hoàng Xuân Hãn từ năm 1952 tại Pháp đã viết cuốn sách “Chinh phụ ngâm bị khảo” dày 288 trang chứng minh chặt chẽ rằng Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn do Phan Huy Ích dịch chớ không phải Đoàn thị Điểm. Trong gần 300 trang sách tác giả đã ghi lại các bản dịch của Đoàn thị Điểm , Nguyễn Khản, Phan Huy Ích và chứng minh rằng bản đang lưu truyền là của Phan Huy Ích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. !, 2, 3 giáo đều đồng ý với bác Bu hết đó. Chí... mén gặp nhau! hehe...
      Cảm ơn bác cho biết thêm về Chinh phụ ngâm!

      Xóa
  13. -Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm.
    -Bài viết sắc sảo và kết luận tuyệt vời: 'Hiển nhiên một “tách” cà phê của tôi tương đương với 2 cups của cô! Thật là tai hại! Và sự nghiệp làm đầu bếp của tôi chấm dứt từ hôm đó'.
    LB rất muốn gặp người này, Giáo giúp cho? Tks.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh LB ui, ông ấy hiện đang ở Mỹ và giáo chưa có hân hạnh làm quen anh à! Anh có thể nhờ ông Gu gồ tìm thêm thông tin và nếu anh liên lạc với ổng được thi cho giáo gởi lời ngưỡng mộ ổng nhe!

      Xóa

  14. Chào cô giáo,
    Lâu nay hơi bận, ít ghé vào chơi đọc bài.
    Hôm nay ghé vào, đọc bài cô giáo giới thiệu, thấy thú vị lắm!
    Thích lắm lắm cái câu này của tác giả TYT:
    - "Và “dịch vật” nhất là dịch thơ."

    Mời Cô giáo cười vui vui, đọc bài này, thư giãn nhé:

    - THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
    Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
    Nước còn cau mặt với tang thương.
    Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
    (Bà Huyện Thanh Quan)

    CONSIDERING THE ANCIENT CITY OF HANOI
    (By Mrs. Huyen Thanh Quan)

    One wonders why the Creator puts on such a show.
    So much time has gone by since the City began -
    carriages once rolled where now there is autumn grass
    The setting sun casts shadows on old palace floors
    and old stone walls lie upon under the moon.
    The country frowns at such scene of modern squalor -
    a thousand years lie on the face of the old mirror.
    The people here have always had to endure misery.

    (?!)

    http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=11292



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn anh Sơn đã cho giáo một địa chỉ mới để tha hồ đọc các tác phẩm giá trị. Giáo đã đọc bài phê bình rất xác đáng của TK rùi. Nó càng khiến Giáo phải cẩn trọng nhiều hơn nếu muốn tiếp tục làm công việc "dịch vật", hehe...

      Xóa
  15. Sang thăm bạn lần đầu tiên ghé Thăm! Quang Trụ Thân chúc bạ luôn may mắn Thành công và Hạnh Phúc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui được bạn ghé nhà, và hy vọng sẽ có những lần sau nữa. Chúc bạn vui ngày mới!

      Xóa
  16. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.

    Theo thiển ý, dịch chỉ là "chuyển ý" cái phần xác của một tác phẩm văn học từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác. Ấy là nói về văn xuôi trong các tiểu thuyết,và trong các tác phẩm non-fiction, về thơ thì không thể. Làm sao mà dịch cả xác và hồn của truyện Kiều đây? Truyện Kiều của Trung Hoa chẳng là cái gì cả. Nguyễn Tiên Điền đã phóng tác và đã thổi cái hồn, cái nghệ thuật siêu đẳng vào và đã biến chú vịt xấu xí thành một nàng tiên nga lộng lẫy!!!

    Trả lờiXóa
  17. Đoạn thứ nhất trong phần trên là của tác giả tôi chỉ copy lại thôi. Theo tôi để ý thấy thì một đoạn văn được copy thế này thường đổi màu nhưng ở đây corp chữ và màu sắc vẫn như nguyên bản!? Tôi không hiểu tại sao nên "viết" thêm để tránh hiểu nhầm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh NH có thể copy và đặt vào trong dấu ngoặc kép, cũng có tác dụng như việc thay đổi font chữ vậy!

      Xóa
  18. Trả lời
    1. nhưng giáo hỏng có chúc anh ba làm thơ buồn quài đâu nhe! hic...

      Xóa
  19. Thăm Giáo nè, chúc khỏe re nhe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giáo lúc nào cũng khỏe re re hà anh 6 ui, dù vẫn ốm nhom, hic...
      anh vui ngày mới nhe, hỏng biết đang làm ca nào nữa, tội ghê!

      Xóa
  20. Trước đây Andi đã dịch nhiều, nhưng quả thật một người học ngoại ngữ giỏi chưa chắc dịch hay mà chỉ có thể dịch đúng ý hoặc gần đúng mà thôi. Dịch! Rất khó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giáo đồng ý với Andi cái rụp! Quá khó lun! hehe...

      Xóa
  21. Mấy bữa Lc chỉ cưỡi ngựa ngắm hoa nhà G thui.( bận túi bụi) Bữa ni mới từ từ lần mò đi bộ để cùng G nghiền ngẫm cho hết cái hàng xách tay G siêu tầm về.Thực ra Lc cũng là người khó tính trong đọc những tác phẩm dịch. Đặc biệt là dịch thơ.Với LC việc dịch một tác phẩm văn xuôi hay thơ bên cạnh giúp người đọc tiếp cận một nội dung còn giúp người đọc tiếp cận một nền văn hóa. Đặc biệt là văn phong. Mỗi nhà văn có một văn phong riêng và mỗi nền văn học cũng có những bản sắc riêng nên khi đọc tác phẩm dịch LC thích dịch giả đừng để cho cái tôi của mình lấn át quá. Vẫn biết dịch giả là người đồng sáng tạo nhưng đọc mà chỉ thấy màu sắc của dịch giả thì Lc chẳng ghiền tí nào.
    - Đọc cái bài này LC nghĩ G đang có một " âm mưu" gì đúng hem? Cứ làm đi và cho LC đọc trước với! LC chắc G sẽ làm được nè.
    - Còn nữa. Sao G không thử chuyển tải một tác phẩm nào đó của tiếng Việt mình sang tiếng Anh thử xem. Việc này cũng tuyệt lúm đó.( Cái dụ ni thì LC bó tay hổng cóa đọc và cảm được)
    Cười cái coi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy nàng rùi, hehe... Âm miu cái gì chớ, bữa giờ tìm quài hỏng có cái truyện nào ngắn ngắn hay hay để dịch đây nè LC ui! Giáo ghiền dịch và đó cũng là một cách cho mình luyện thêm tiếng Anh. Còn cái chiện dịch từ Việt sang Anh thì eo ui, giáo chịu thua trước cho rùi! Dịch từ Anh sang Việt mà còn... mướt mồ hôi đây nè, đúng là... "dịch vật"! hehe...

      Xóa
  22. Giáo ơi ! Có khỏe khg, mấy ngày nay khg thấy Giáo đâu........Huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui trời, sao mà cái còm này chạy tuốt xuống đây? Giáo ko khỏe lắm MTB ui, nên làm biếng lên máy, buồn buồn giở áo ra đan, hic... Hôm nay ghé thăm bồ tèo bên fb rùi đó nhe!

      Xóa
  23. Ghé sang thăm nhà Chị, đọc được bài viết của Chị rất bổ ích. Vì trong Cty em cũng có đảm nhận trọng trách dịch thuật này hi. Chúc Chị ngày mới ấm áp.

    Trả lờiXóa

- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]