tĩnh lặng

tĩnh lặng

8/10/13

97. Vĩnh biệt một thời đại



  Tác giả:   Phạm Thị Hoài


Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.

Ông là một trong hai nhà lãnh đạo Việt Nam tắm trong một hào quang quốc tế. Người kia đã khuất từ chính xác 44 năm trước. Trong cái bóng của ông, các chính khách đương thời của chúng ta trông không khác các vĩ nhân tỉnh lẻ. Gắn với tên ông, chế độ cộng sản ở đất nước này dường như dễ gây thiện cảm hơn, thậm chí lung linh hơn trong mắt thế giới. Hào quang ấy hẳn cũng đã giúp ông tránh được số phận của nhiều đồng chí và cộng sự thân thiết từng bị nuốt chửng trong chiếc hộp đen của quyền lực đỏ đến nay còn khép kín. Những ngày này, khi hào quang ấy cũng theo ông ra đi, người ta bám vào nó như vầng sáng cuối cùng hắt lại từ dĩ vãng.

Theo ông ra đi là thiên tài quân sự mà huyền thoại đã từ lâu bịt kín mọi ngả nhận thức khác. Thiên tài cầm quân của ông đồng hóa thành thiên tài chống ngoại xâm của Đảng Cộng sản, điều sẽ trở thành biện minh số một cho độc quyền thống trị vĩnh cửu của tập đoàn chính trị mà ông suốt đời trung thành này. Thành tích của vị “Napoléon Đỏ” đã đứng cao hơn núi máu xương chiến trường. Những ngày này hoài niệm đạn bom lên tiếng để hiện thực lặng im, rằng đất nước của vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình. Gần nửa cuộc đời sau của ông là bằng chứng lặng lẽ của hiện thực ấy.


Theo ông ra đi là những hi vọng tìm một điểm tựa tầm cỡ khai quốc công thần cho một hành trình cứu quốc mới, đưa Việt Nam ra khỏi vòng tròn ma quái của nghèo hèn, lạc hậu, băng hoại, phụ thuộc, chuyên chế và hỗn loạn. Dù chỉ lên tiếng một số lần, có thể là quá thưa thớt và yếu ớt so với mong đợi, và không bao giờ chạm lằn ranh cho phép của thể chế, ông đã là một biểu tượng, một chỗ dựa tinh thần, một uy quyền đạo đức trong một khung cảnh thiếu vắng mọi điểm tựa. Dù chưa từng có một ảnh hưởng quyết định nào với nền chính trị Việt Nam và quá khiêm nhẫn để đột phá và cách tân, ông đã là một địa chỉ của hi vọng cải cách.


Theo ông ra đi là thời đại đã thành cổ điển của những đại tự sự giải phóng dân tộc, chống thực dân, chống đế quốc, chống phong kiến, cách mạng vô sản và chủ nghĩa cộng sản như nấc thang tiến hóa cuối cùng của nhân loại. Một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Song cũng đầy những vẻ đẹp của niềm tin giản dị và hùng tráng bởi những nhân cách và tầm vóc phi thường. Thời đại ấy đã cáo chung ngay khi ông còn sống. Bây giờ ông có thể cùng thời đại của mình yên nghỉ. Một cuộc đời dài có thể vắt qua hai thế kỉ, song không một vĩ nhân nào trong lịch sử đóng được dấu ấn lên hai thời đại kề nhau.


Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường.



27 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Chúng ta cùng vĩnh biệt ông!

      Xóa
    2. Có phải cô giáo làng lụa Mã Châu của giao không? Nếu phải, cho HN làm quen!

      Xóa
    3. Ông anh ui, làm quen ở đây thì làm sao cô giáo đọc được vì bài cũ xì rùi mừ! Anh phải vào bài Hương Ổi của Smile-Blog mí được, có trên danh sách blog bạn giáo đó mà!

      Xóa
  2. Anh qua thăm Giáo, đọc bài và chúc Giáo vui và khoẻ hỉ.
    Sáng nay trời thiệt trong và nhiều nắng thấy người thật nhẹ nhàng và tươi tắn, thích ghê.
    Anh cũng gửi ra Giáo một ít nắng nữa nè, gió thì thôi bởi ngoài ấy có quá trời rồi còn gì...
    Bây chừ anh xin con tem bạc về làm quà ngày mới hỉ!

    Trả lờiXóa
  3. Như một bài điếu dành cho Người. Chị Giáo viết bài viết này bằng cảm xúc chân thành và mộc mạc của mình, chắc ở nơi thyế giới kia Người cũng vui, bởi toàn dân tộc đang hướng về Người tưởng niệm và trong đó có chị. Bài viết quá hay chị ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo làm gì viết hay dữ vậy. Là nhà văn chính gốc Phạm Thị Hoài đó Nhật à!

      Xóa
  4. Đây là một mất mát lớn cho đất nước mình, nhưng thật lòng mà nói, Ông thọ vậy cũng là quá thọ rồi. Ông ra đi như vậy cũng thanh thản. những gì ông để lại , chắc chắn mọi người sẽ nhớ mãi
    Em cũng có suy nghĩ giống câu kết của chị.
    " Kính cẩn vĩnh biệt ông. Vĩnh biệt một thời đại. Cầu cho thời đại hôm nay không còn cần đến những vị tướng và những chiến trường"
    một thế giới hòa bình vẫn tốt hơn chị hén .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thùy chia sẻ cùng giáo và những người có cùng suy nghĩ với Phạm Thị Hoài rứa là tốt rùi cưng ui!

      Xóa
  5. Bác Nguyễn Ánh Nhật: "Chị Giáo viết bài viết này bằng cảm xúc chân thành..."
    Bác Có khi Nào: "Em cũng có suy nghĩ giống câu kết của chị..."

    Em xin lỗi hai bác trước nghen, hai bác "khen" Cô Giáo như thế, có khác gì..."hại nhau", Hai bác ơi!
    Tác giả bài viết, Cô Giáo đã...trình làng rõ ràng ở đầu entry rồi cơ mà!!!???

    Nguồn Bài Gốc: http://www.procontra.asia/




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để cô giáo "rút kinh nghiệm" lần nữa: Thêm hai chữ "Tác giả:" trước Phạm Thị Hoài.

      Xóa
    2. Cảm ơn bạn Võ Trung Tín đã cho mọi người biết nguồn của bài viết. Do lỗi của giáo ko ghi rõ ràng mừ!

      Xóa
    3. Bác Nô à, giáo đã rút kinh nghiệm rùi đó.

      Xóa
    4. Lỗi của em, sơ suất quá.
      Nhưng đọc còm thấy...nặng nề quá cũng hơi sợ.

      Xóa
  6. Lâu lâu Giáo thay một bút hiệu làm cho anh và mọi người té sấp, té ngửa... có người té ngựa. Em chơi một tên xấu xấu như anh đây nè, khỏe re như muối chấm me. Ai vô cũng cắn chắc một miếng không trượt bao giờ.
    Anh lọt xuống tem đồng rồi đó, hôm sau anh trừ hao mấy giá cho chắc, khỏi bị té tem.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là nhà văn chính chủ đó nhe anh 6, hỏng phải giáo đâu, cho anh té ngựa lun! hehe...

      Xóa
  7. Tuy đọc một đoạn ngắn của PTH tiễn biệt....mình cũng xin tiễn đưa NGƯỜI !
    Nhà văn nữ này năm 1989 đã sóng gió với Thiên Sứ rồi!
    Chúc nhiều vui!QUỲNH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giáo thì rất thích Mê lộ của PTH bạn à! Cảm ơn Q, chúc bạn vui khỏe!

      Xóa
  8. giáo à, khỏe không vậy ..mong vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. giáo ko khỏe lắm anh ba à, nên mấy ngày ko lên máy được. Còn anh vẫn vui chứ?

      Xóa
  9. Một thiên tài quân sự, một người anh hùng còn mãi mãi về sau. Là mất mát, là thương đau...cả nước tiễn đưa người anh hùng dân tộc của thời đại.

    Chúc Giáo vui nhiều ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cầu mong cho ông về cõi vĩnh hằng, đời đời bình yên!
      Mong HT vui khỏe!

      Xóa
  10. 1- Phạm thị Hoài bao giờ cũng sâu sắc và thâm trầm.
    Tuy nhiên đọc nhiều lần thì vẫn tìm thấy có đôi điều muốn nói với tác giả
    - Vàng và đất sét không tách ra hai thế hệ mà trong cái nọ có cái kia...
    - Huy Đức trong Bên hắng cuộc tập 2 (Quyền bính) phần nói về tướng Giáp có câu "Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông". Phạm thị Hoài cho rằng " vị tướng vĩ đại đã thắng trong chiến tranh và thua trong hòa bình". Bu tui cho là tướng Giáp bỏ gươm trận để có gươm thần. Ông thắng trong chiến tranh và thẳng cả trong hòa bình. Những kẻ hãm hại ông dù đã chết hay đang sống nhìn cảnh toàn dân hướng về ông, toàn thế giới hướng về ông thì thấm thía câu "Phàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu" (ngậm máu phun người thì miệng mình bẩn trước). Được dân tôn lên thành thánh là thắng bằng bằng gươm thần chớ không phải gươm trận.
    2- Tướng Giáp là anh hùng của nghịch lý, là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam trong thế kỷ 20, 21. Việt Nam đang tung hô đồng chí với kẻ thù, tướng Giáp cũng gọi những kẻ hãm hại ông bằng đồng chí...Với nghịch lý đó ông phải "dĩ bất biến ứng vạn biến" và ông đã thắng.

    Trả lờiXóa
  11. “Chả biết đúng sai thế nào ở hậu trường, nhưng những gì bày ra trước mặt thì hầu như đúng và đủ luôn.” (BsHồHải)

    Đừng bốc phét nữa:
    http://www.danchimviet.info/archives/29298

    Trả lờiXóa
  12. Đây là bài viết mà tôi đọc cảm thấy thỏa mãn nhất trong những ngày này qua các phương tiện truyền thông.

    Với tôi, một đất nước sản sinh ra quá nhiều anh hùng dân tộc thì đó là một đất nước có quá nhiều sự lầm than, cơ cực, quá nhiều đau thương mất mát, quá nhiều nỗi thống khổ và điêu linh.

    Đến bây giờ tôi chẳng biết mình tự hào hay đau xót? Lúc này đây tôi mong rằng sẽ không còn những anh hùng trên chiến trường xuất hiện trên quê hương tôi nữa.

    Kính cẩn vĩnh biệt người.

    Trả lờiXóa

- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]